Vài suy nghĩ về thơ Tân hình thức- Ngô Minh

 

Vài suy nghĩ về thơ Tân hình thức

Thơ Tân hình thức tuy mới với nhiều người, nhưng không mới với thơ Việt. Bản mệnh của thơ là phải luôn luôn mới. Mới ý để sâu hơn, mới tứ để bất ngờ, hút đọc giả hơn, mới thi ảnh để lung linh hơn, mới chữ để câu đẹp hơn, mới cấu trúc để lạ hơn, mới nhịp điệu để lay động hơn…

Thơ Việt Nam trăm năm qua đã có rất nhiều sự chuyển động, hướng đến cái mới. Từ thơ Nôm, thơ Đường đến Thơ Mới, rồi thơ trừu tượng, thơ siêu thực… Trong đó, sự ra đời của Thơ Mới là một cuộc cách mạng thơ thực sự. Ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122  được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ Mới. Ngay sau đó, cuộc tranh luận giữa lối thơ mới và lối thơ cũ diễn ra vô cùng gay gắt, quyết liệt. Mãi đến năm 1941, cuộc tranh luận mới chấm dứt bằng sự thắng thế của lối thơ mới, khép lại mấy trăm năm thống trị của thơ Đường. Chỉ 10 năm thôi, Thơ Mới đã tự khẳng định mình mà chiếm lĩnh văn đàn với sự ra đời của Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân và kéo dài đến tận hôm nay. Đó là thời kỳ vàng son của thơ Việt Nam. Thơ Mới bắt nguồn từ thơ Pháp, nhập vào hồn các thi sĩ Việt để thành tâm thức, tâm cảm, tâm tình, tâm linh Việt. Về hình thức, thơ Việt bắt đầu từ lục bát, song thất lục bát, rồi đến thơ ngũ ngôn, thất ngôn, bát ngôn, rồi thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, thơ bậc thang của Hữu Loan, Trần Dần, Trần Mai Ninh, thơ tượng trưng, siêu thực của Ngô Kha, Hàn Mặc Tử, thơ tự do của Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Thiều…, rồi thơ văn xuôi, thơ Rock, thơ Rap, thơ sắp đặt, thơ tân hình thức của nghệ thuật đương đại. Hiện nay các nhà thơ Việt Nam vẫn sáng tác thơ theo nhiều hình thức, có rất nhiều bài thơ hay, nhưng chưa có một cuộc cách mạng tôn vinh một trường phái thơ nào xảy ra trên văn đàn cả.

Vậy thơ Tân hình thức có phải là một cuộc cách tân thơ Việt? Đọc và cảm nhận về thơ Tân hình thức, tôi thấy đã có một kết nối, một lĩnh xướng, một phụ họa. Những năm 90 của thế kỷ XX, thơ Tân hình thức ra đời (theo nhà phê bình Đặng Tiến, tên “Tân hình thức” được dịch từ tiếng Anh – New Formalism, đây là một trường phái thơ Mỹ, thịnh hành những năm 1980 – 1990). Nó được các nhà thơ Việt ở hải ngoại, đặc biệt là nhà thơ Khế Iêm nhiệt liệt hưởng ứng và quảng bá về Việt Nam. Khế Iêm chủ trương Tạp chí Thơ 20 năm nay đăng nhiều thơ Tân hình thức, lập trang thotanhinhthuc.org để đăng thơ, giới thiệu tác giả, bàn luận. Anh còn bàn luận, suy tư, giới thiệu về thơ Tân hình thức trong các tác phẩm Vũ điệu không vần – Tứ khúc và những tiểu luận khác, Tân hình thức (Nxb Văn Mới, 2003).

Ở trong nước, nhà thơ Inrasara cổ vũ hết sức nhiệt tình cho thơ Tân hình thức. Trang Inrasara.com mở chuyên mục Thơ tân hình thức Việt. Anh còn tổ chức tọa đàm Thơ tân hình thức Việt, nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy, Sài Gòn. Trước đó, hai tạp chí cũng thử nhập cuộc bàn về Tân hình thức. Tạp chí Sông Hương, số 280, 6-2012, có chuyên đề bàn sâu về thơ Tân hình thức; sau đó ít lâu tạp chí này đã làm số đặc biệt về thơ Tân hình thức vào tháng 12-2012. Đây là tạp chí văn học nghệ thuật đầu tiên trong hệ thống báo chí văn nghệ Việt Nam giới thiệu thơ Tân hình thức. Rồi báo Nghệ Thuật Mới do Nguyễn Quang Thiều tổ chức, số 8, 9-2012, có bài phê bình về thơ Tân hình thức.v.v…

Như vậy đã có một quá trình tổ chức, vận động, cổ vũ. Cho đến nay, đã có nhiều tập Thơ Hình Thức đã xuất bản. Trong nước, Đoàn Minh Hải có tập Đại nguyện của Đá, 2002. Tại Hoa Kỳ, Lưu Hy Lạc có 26 Bài Thơ Tân Hình Thức, Giọt Sương Hoa, 2002; Hà Nguyên Du có Gene đại dương, 2003… Tất cả những khởi động bền bỉ, nhẫn nại trong 20 năm qua đã khẳng định một khái niệm, một niêm luật, một phong trào và một đội ngũ. Người Việt làm thơ Tân hình thức ngày càng nhiều. Ở hải ngoại có Khế Iêm, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thị Thanh Bình, Mai Ninh, Trọng Tuyến, Lưu Hy Lạc và Phan Nhiên Hạo… Trong nước có Đoàn Minh Hải, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Hường Thanh, Nguyễn Thói Đời, Xuân Thủy, Chu Thụy Nguyên, Lê Hưng Tiến, Nguyên Họa, Thiên Đăng, Nguyễn Tất Độ, Trần Vũ Liên Tâm, Lý Đợi, Hà Huy Phương, Huy Hùng, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường.v.v.. Xem ra, các nhà thơ Tân hình thức Việt đã thành một đội hình, một cuộc khởi hành, đi tới.

Tôi là người chưa bao giờ làm bài thơ Tân hình thức nào. Năm, ba năm trước, tôi không quan tâm đến thơ Tân hình thức. Tôi thấy nó “gò bó” trong một luật lệ đơn sơ, lại “nhạt” vì thơ ấy ít làm cho người đọc xúc động. Tôi quan niệm đã là thơ, dù sáng tác theo trường phái, phong cách nào, mục tiêu cốt lõi là làm cho độc giả yêu thơ xúc động, cười khóc, nổi da gà theo từng tứ thơ, thi ảnh. Theo luật chơi, thơ Tân hình thức có bốn đặc điểm: tính kể (dễ hiểu và liền mạch), vắt dòng (để kiểm soát hơi thở, định dạng cho thơ, phân biệt với văn) kỹ thuật lặp lại (để tạo ra nhịp điệu, nhạc tính) và ngôn ngữ đời thường, vì thế sức biểu cảm bị hạn chế. Nhưng rồi dần dà đọc thơ Tân hình thức trên Tạp chí Sông Hương, thơ Khế Iêm, tôi thấy nhiều câu thơ lạ, day dứt, có những bài thơ ám ảnh, chữ vắt dòng đột ngột, tạo nên sự thú vị về chữ, câu. Ví dụ, có những câu thơ Tân hình thức rất ảo: Có những nỗi nhớ mơ/ hồ đọng lại (Hàng cây – Hường Thanh); Nỗi nhớ mơ/ hồ (vắt dòng) đọc lên nghe bâng khuâng hơn nỗi nhớ mơ hồ (không vắt dòng). Hay những câu thơ khác: Có những đêm không ngủ như đêm nay/ Không thể ngủ tôi loay hoay đi từ (Đêm loay hoay – Nguyễn Thói Đời); Con cá lãng tử con/cá si tình con cá (Con cá chết – Chu Thụy Nguyên); Hay bài thơ Bóng của Thiên Đăng, chỉ có mấy hình ảnh đơn giản cái bóng đàn ông, cái bóng đàn bà, chiếc giường… thế mà tác giả đã sáng tạo nên bài thơ ngũ ngôn 5 khổ như một ảo ảnh: hai cái bóng kia cái/ bóng của người đàn bà/ và bóng của người đàn/ ông hai cái bóng ở/ trên tường gần nhau thật/…  ở trên giường hai cái/ bóng bất động người đàn/ ông và người đàn bà/ gần thật gần bất động… Trong bài thơ Những con chữ nhảy lò cò của Lê Hưng Tiến, bằng kỹ thuật thơ Tân hình thức và thi tài của mình, nhà thơ trẻ Ninh Thuận này đã tạo được bài thơ như một bức tranh trừu tượng, đa sắc màu, rất đẹp, rất thơ: khát vọng tức tưởi máu xông từ/ đầu mắt tay khi đỉnh điểm thái/ dương loe lóe những con chữ bỗng/ hiển linh thì nắng được tẩm liệm/ trong suốt, trong suốt. Trong và suốt!… Có thể nói, thơ Tân hình thức đã có kết hạt trong lòng người đọc!

Thơ Tân hình thức sử dụng tuyệt đối các “hình thức thơ cũ” như lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thơ 5 chữ, thơ 8 chữ.v.v.., nên không xa lạ với người đọc, không thuộc loại “thơ khó”. Thơ Tân hình thức thể hiện theo thể loại thơ không vần, ứng dụng những kỹ thuật cơ bản như vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyện và ngôn ngữ đời thường, cho nên nhịp điệu hoàn toàn khác với thơ cổ điển. Mỗi dòng như thơ cổ điển, có khi gồm 5, 6 và có khi là 7, 8 chữ (âm), có khi là lục bát, có thể xếp thành khổ với 4 (hay nhiều) dòng, cứ đến số chữ quy định là xuống dòng, không cần tôn trọng cú pháp. Để xâu kết câu nói, các tác giả thường kể chuyện đời thường, thông tục, có khi tục, của người bình thường sử dụng hằng ngày, trong sinh hoạt cụ thể, cho nên dễ hiểu, dễ đi vào lòng người yêu thơ. Đó là thế mạnh của thơ Tân hình thức.

Tất nhiên, trong thơ Tân hình thức, tôi thấy nhiều bài (có thể nói là đa số) còn kể chuyện đơn giản, sơ sài, thiếu chất thơ. Vắt dòng là thành tố cốt lõi nhất trong toàn bộ kỹ thuật thơ Tân hình thức, nhưng có nhiều nhà thơ vắt dòng không đắt, nên hiệu quả câu thơ bị hạn chế. Chẳng hạn, bài thơ “Tĩnh vật”: Li rượu được đẩy qua/ đẩy lại trên bàn, bàn/ tay cầm li rượu thay/ đổi tốc độ di chuyển/ ban đầu của li rượu…/ nhanh đến chóng mặt, bàn/ tay cầm li rượu tỉ/ lệ thuận với tốc độ…  Đó là câu văn xuôi thuần túy, nó đơn giản, không thơ. Có thể dẫn ra hàng ngàn bài thơ Tân hình thức không hay như thế.

Thơ Tân hình thức không xa lạ với thơ Việt, thậm chí không còn mới đối với thơ Việt. Trong thơ Việt từ thời tiền chiến đã có những yếu tố của Tân hình thức, nhất là yếu tố vắt dòng. Theo nhà phê bình Đặng Tiến: “Kỹ thuật vắt dòng, hay bắc cầu, thường gặp trong Thơ Mới, là một kinh nghiệm tiếp thu từ thơ Pháp, làm nổi bật một từ ngữ, hình ảnh nào đó. Đến Bích Khê (1915 – 1946) thì lối vắt dòng trở thành một thi pháp toàn diện, có giá trị thẩm mỹ riêng”. Trong bài thơ Duy Tân (1941), Bích Khê vắt dòng:

 

Người hòa điệu với thiên nhiên, ân ái

 

 

Buồn, và xanh trời. (Tôi trôi với bờ

 

 

Êm biếc – khóc với thu – lời úa ngô

 

 

Vàng – Khi cách biệt – giữa hồn xây mộ –

 

 

Tình hôm qua – dài hôm nay thương nhớ…)

Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Tập qua hàng cũng “vắt dòng” rất thiện nghệ:

 

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

 

 

Trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây

 

 

Cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

 

 

Cũng thêm màu trên cánh đang bay

Trong bài “Thơ Tân hình thức – nhịp đập của thời đại”, Đặng Tiến cho rằng người làm thơ Tân hình thức đầu tiên ở Việt Nam là Nguyễn Văn Vĩnh, khi năm 1914 ông hạ bút viết câu“Ve sầu kêu ve ve”, là tân hình thức hết cỡ. Bài Ve và kiến cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine: Vác miệng chịu khúm núm/ Sang chị kiến hàng xóm/ Xin cùng chị cho vay/ Dăm ba hạt qua ngày…

Thế là thơ Tân hình thức đã được kiểm chứng, đã có thành quả, kết tụ. Việc dòng thơ ấy có phát triển tiếp hay không, không phụ thuộc vào tính chất của thể thơ, mà phụ thuộc vào những người theo đuổi và thực hành nó. Nhưng có lẽ những người chủ trương phát triển hơn nữa phong trào thơ Tân hình thức như Inrasara, Khế Iêm cũng phải nghĩ cách “cải tiến” nó hơn nữa. Để cho Thơ Tân hình thức chinh phục được độc giả, tự bản thân trong quy ước của nó phải có sự thay đổi. Trong 4 yếu tố quy ước cấu trúc của thơ Tân hình thức, tôi thấy cần phân biệt thơ với văn xuôi. Đây là một vấn đề khá nhập nhằng. Nhìn bề mặt, chỉ có một điểm duy nhất trong bốn điểm nêu trên là có thể phân biệt thơ tân hình thức với văn xuôi: đó là vắt dòng. Ba đặc điểm còn lại là tính kể, kỹ thuật lặp lại, ngôn ngữ đời thường thì thơ Tân hình thức và văn xuôi hoàn toàn giống nhau. Nên chăng, tiết giảm những yếu tố này đi một mức nào đó, để cho câu thơ thơ hơn, nhòe hơn. Thứ nữa, thơ phải có nội dung, nếu không thì chỉ là cái vỏ không có khóa mở, hoặc không có gì phải mở.

 

Cuối cùng, bản thân tôi nghĩ đến vấn đề là làm sao để thơ Tân hình thức được đưa vào nhà trường? Các thế hệ học trò Việt Nam trong nhà trường dễ dàng đón nhận Thơ Mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Còn bây giờ hai, ba thập kỷ đã trôi qua, sinh viên Đại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu thơ đã và đang diễn ra trên thế giới như hậu hiện đại, tân hình thức. Tôi cho rằng, phải lôi cuốn họ vào cuộc chơi thơ Tân hình thức. Nếu không, sẽ không có đổi mới thơ. Mà muốn thế, trước hết, tự thân thơ Tân hình thức phải hay hơn, tư tưởng lớn hơn, thi ảnh đẹp hơn.

 

 

Tôi ủng hộ việc đưa các trào lưu thơ đương đại thế giới như tân hình thức, hậu hiện đại vào Việt Nam. Nhưng tôi luôn phản đối một số người cho rằng làm thơ đương đại mới là nhà thơ hiện đại, thơ mới hay, rồi từ đó kéo bè nhóm xưng tụng, trao thưởng cho các tác phẩm thơ đương đại, cho đó là chuẩn mực của thơ Việt. Thơ đương đại hay tân hình thức không đồng nghĩa với thơ hay. Đừng nhầm lẫn điều này.

 

Tôi nghĩ, thơ Tân hình thức vẫn còn nhiều khoảng trống cho sự mở rộng và phát triển, đi lên của mình. Thơ là tâm sự, tâm tình của người sáng tạo thơ. Bất kỳ một thể loại thơ mới/ phong trào sáng tác nào cũng cần có những trao đổi, bàn luận để góp phần đưa ra những ý kiến, góp ý để nó phát triển tốt hơn. Độc giả luôn mở lòng. Hãy làm cho thơ Tân hình thức hay hơn mới chinh phục được người đọc.

 

 

 

Ngô Minh