THANH TÂM TUYỀN
NHÌN LẠI
Khế Iêm
Trong bài viết “Thơ Tình, từ Tiền Chiến Đến Tân Hình Thức” đề cập tới thơ miền Nam, thập niên 1960, tôi viết:’ Trong khi tại Việt nam, sau chiến tranh người đọc nhàm chán với thơ tình tiền chiến. Nhưng vì văn học quốc ngữ còn non trẻ, không có nền tảng học thuật hàng ngàn năm như phương Tây, nên trong thơ chỉ có thể rút ra yếu tố lạ hóa kết hợp với nghệ thuật tu từ, làm thành một dòng thơ tự do đặc biệt Việt nam. Ảnh hưởng chủ nghĩa siêu thực, cái hay của thơ tiền chiến, với những âm điệu du dương, tạo bởi tài năng của từng nhà thơ, được thay thế chỉ với chữ. Khi vần điệu và nghệ thuật tu từ cô đọng lại nơi con chữ thì cũng không khác gì quan điểm của họa sĩ Piet Mondrian (1872-1944), ở đầu thế kỷ, hội họa (trừu tượng) tự diễn đạt chính nó, qua sự liên hệ giữa đường nét và màu sắc. Ðường nét và màu sắc giải phóng khỏi nội dung tác phẩm, không thể hiện bề mặt thực tại hay cuộc đời mà chủ yếu thể hiện bản chất thực tại và cuộc đời chúng ta đang sống. Chữ đóng lại và mở ra một thế giới đầy hình ảnh bí ẩn và mộng ảo, có tác dụng làm mới lạ cảm xúc, đưa người đọc tới một thực tại khác. Cũng giống như trừu tượng, thơ từ chối sự diễn dịch, và là hiện thân của chính nó. Nhưng tính nổi loạn trong văn học ở thời bình (1957-1960) chẳng bao lâu được thay thế bởi tính tàn phá và khổ đau trong chiến tranh (1960-1975). Lớp người đọc trẻ tuổi của miền Nam thập niên 1960, quay về vần điệu, thay thế tình yêu thời tiền chiến bằng chủ đề tâm linh (thiền học), để cố quên lãng một thời cuồng nộ.”
“Bếp Lửa”, “Tôi Không Còn Cô Độc” xuất hiện lúc tác giả mới vừa 20 tuổi. Như thế đã là tài hoa. “Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” xuất hiện sau đó, 1964, khoảng 28 tuổi. Trong “Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy”, những câu chữ kéo dây với nhau, thỉnh thoảng bật lên những hình ảnh và ngôn ngữ siêu thực. Hình ảnh siêu thực là thế giới không có thực và không thể lý giải, thể hiện sự bế tắc của tâm trí trước nhiều điều không biết. Đó là phương tiện lý tưởng để nói lên tâm trạng con người trước hoàn cảnh lịch sử, đất nước bị qua phân. Tuổi trẻ thời nào cũng vậy, đầy lý tưởng, nhưng khi gặp thực tế, hai cái thế xung khắc lẫn nhau, thế là tan nát, đổ vỡ, hoang mang. Và thế là có nhu cầu viết, nhu cầu trở thành nhà văn.
Di cư vào Nam 1954, dường như không khí và quang cảnh của vùng đất mới không lôi cuốn nổi anh. Qua sách vở, anh sống với một xã hội thời hậu chiến phương Tây, mang tâm trạng lạc lõng, bất lực. Đọc truyện anh ở thời kỳ này, “Bếp Lửa” chẳng hạn, thời thế được nhìn qua lăng kính của một người trẻ tuổi, ngổn ngang ý thức. Đọc thơ không thấy con người và đời sống với những băn khoăn ưu tư của xã hội miền Nam thời đó. Truyện thuộc về phạm trù ý thức, còn thơ thuộc về vô thức. Người ta có thể mộng thành nhà văn, nhưng lại trở thành nhà thơ lúc nào không hay. Truyện thuộc về chiều tuyến tính nên để có một tác phẩm có tầm vóc cần thời gian kinh nghiệm và kiến thức, trong khi thơ thuộc về chiều phi tuyến tính nên bất cứ lúc nào cũng có thể “ngộ” miễn là có đủ tinh tế, nhạy bén và sống thật trong “cõi” ấy.
Dĩ nhiên cũng phải kế đến một chiều không biết. Nhiều biến chuyển lớn thường xảy ra vào chu kỳ 30 năm. Ở Việt nam, thập niên 1930 xuất hiện thơ văn Tiền chiến, thập niên 1960, ở miền Bắc có Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, trong Nam có Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền. Thập niên 1960 ở phương Tây, chủ nghĩa hủy cấu trúc (deconstruction) ra đời thay thế chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), lý thuyết hỗn mang (chaos) và hình học fractal thay thế khoa học Newton. Thập niên 1990, chấm dứt sự hỗn loạn của chủ nghĩa hậu hiện đại, xuất hiện yếu tố trật tự với phong trào thơ tân hình thức Mỹ. Thập niên 1990, tại hải ngoại, Tạp chí Thơ đầu tiên ra đời, tiếp thu thể thơ không vần của thơ tiếng Anh (dù chấp nhận hay không thì đó vẫn là sự thật). Cũng thập niên này Website bắt đầu vào những năm 1991-92, và phổ cập vào cuối thập niên, đưa toàn bộ nền văn minh nhân loại thành toàn cầu hóa.
*
Anh mê đọc sách, sống phần nhiều trong sách vở. và qua sách vở anh bắt gặp siêu thực. Tiếp thu phương cách diễn đạt của siêu thực anh cũng tiếp thu tinh thần nổi loạn của họ, chống lại những gì có trước. Trong thực tế, anh đọc cả thơ văn truyền thống Việt, và đọc rất kỹ. Có lẽ vì vậy, trong thơ anh, hình ảnh và ngôn ngữ siêu thực trở thành một nghệ thuật tu từ mới. Vô tình anh đã kết hợp những gì đã có sẵn: thể thơ phá thể của tự do, nghệ thuật tu từ của tuyền thống và ý tưởng siêu thực Pháp làm thành một thi pháp mới.
Thi pháp đơn giản là cách làm thơ. Ví dụ, thơ lục bát, 7, 8 chữ ai cũng biết cách làm, nhờ vậy mới biết cách thưởng thức cái hay của thơ. Những người đọc tinh tế hơn, trở thành người bình thơ. Người ta chỉ bình cái hay chứ không ai phê cái dở của thơ làm gì. Thơ chủ về trực giác và cảm xúc nên cái hay chỉ có thể cảm, chứ không thể phân tích lý luận. Giống như một bông hoa đẹp, cần cho người đọc biết bông hoa ở đâu để họ tới thưởng thức, chứ nếu cứ nói huyên thuyên về bông hoa thì cũng vô ích.
Ngay thơ tự do tiếng Anh, chủ về phân tích lý luận nhưng phân tích lý luận cũng chỉ là cách giúp người đọc nhìn ra cách đọc bài thơ. Vì hai hệ thống biểu hiện khác nhau, mang cách phân tích của phương Tây vào thơ Việt chỉ làm hỏng thơ. Nhưng làm sao phân tích khi dòng thơ đó không thể phân tích? Thế nên người viết về thơ, rơi vào trò diễn giải dài dòng trên nghĩa chữ. Người đọc vì thế càng đọc càng không hiểu và càng xa rời thơ. Nói tóm lại, tìm ra được thi pháp hay cách làm thơ đã là một tài năng. Đánh giá một dòng thơ, trước hết phải nói về thi pháp hay cách làm của nó.
Thưởng thức thơ anh, tuy nhiều người không biết cách làm, nhưng vẫn cảm được cái hay vì đó vẫn là cái hay của nghệ thuật tu từ. Anh phá vỡ vần điệu, nhưng lại cô đọng vần điệu và nghệ thuật tu từ vào những hình ảnh và ngôn ngữ mang tính siêu thực. Thơ vì thế vừa mới lạ vừa vẫn giữ đựoc giá trị truyền thống. Trước anh, không ai làm thơ như anh đã làm, sau anh cũng không ai làm như vậy. Trước anh, chỉ là thơ tự do phá thể, khởi đầu với Phan Khôi, sau anh, lại trở về thơ phá thể hoặc là loại thơ chữ cầu kỳ khó hiểu. Và chúng ta tự hỏi, thơ Việt nếu không có những nhà thơ Tiền chiến thập niên 1930 và những tên tuổi như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng ngoài Bắc, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền trong Nam thập niên 1960 thì nền thơ ấy sẽ ra sao.
*
Năm 1991 anh cho in tập “Thơ Ở Đâu Xa”, được sáng tác trong tù. Khi phản ứng chống lại vần điệu như một cách thế quay mặt lại với thực tại khi mới di cư vào Nam, anh đi vào thế giới không thật của văn chương. Nhưng sau 1975 phải đi tù, anh bị kéo ra khỏi thế giới sách vở, đối mặt với thực tại, nhưng là một thực tại của lưu đày, vô cùng khắc nghiệt. Ai đã từng đi tù ngoài Bắc mới thấy tất cả sự tuyệt vọng và đầy đọa của một người tù không thấy ngày trở về. Để trốn chạy thực tại đang sống, chỉ còn một cách quay về tìm an bình trong thơ. Anh tìm về với thơ nhưng chỉ có thể làm thơ vần điệu, vì trong tù không có giấy bút, phải nương vào vần điệu mới có thể nhớ và giữ lại trong tâm trí. Như vậy chẳng khác nào anh bị buộc phải đi lại một hành trình ngược, đã phá vỡ vần điệu, thì bây giờ phải trở về vần điệu.
Nhưng khi trở về, với cung cách không bình thường, anh mang ý hướng “làm mới” của thơ tự do thời hiện đại vào thơ vần điệu. Điều nghịch lý là, “làm mới” lại là phương cách của hiện đại nhằm triệt hạ truyền thống. Thơ vần điệu chỉ có làm hay chứ không thể làm mới. Như Tiền chiến, từ Hàn Mạc Tử, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương cho đến Huy Cận, Xuận Diệu, mỗi người một vẻ đều có những cái hay khác nhau. Làm mới, cũng có nghĩa là làm hỏng, theo thuật ngữ hiện đại. Nhưng chỉ làm cách như thế thì “Thơ Ở Đâu Xa” mới vượt ra khỏi cái hay dở, truyền thống hay phi truyền thống, hiện thân cho một thực tại bất bình thường: thơ là những sinh hoạt thường ngày trong đời tù ngục. Không có bất cứ tác phẩm nào có thể làm được như vậy, ngay cả truyện hay hồi ký. Cho đến nay, sau 15 năm, chưa ai có con mắt tinh đời nhìn ra giá trị ngoài tầm ấy của tập thơ. Nhưng đâu phải thời nào cũng có sẵn một Kim Thánh Thán?
Trường hợp của anh cũng chẳng khác nào thơ tân hình thức Mỹ, chỉ khác, anh làm mới vần điệu và đi đơn độc một mình, còn thơ tân hình thức Mỹ là con đường của cả một tập thể, quay về truyền thống, để làm một truyền thống khác. Thơ nằm trong vô thức nên trong một chừng mực nào đó, “Thơ Ở Đâu Xa” đã báo trước thơ tân hình thức Việt sau này, từ bỏ thơ tự do thời hiện đại quay về thể luật. Thật ra, thơ tân hình thức Việt, tiếp thu thể thơ không vần của truyền thống thơ Anh đưa vào thơ Việt, chứ không hề quay về vần điệu. Bởi thơ là sự chuyển đổi không ngừng, như đời sống, thì cớ gì cứ phải nằm mãi nơi vần điệu. Thơ tân hình thức là một thực tại khác của thơ Việt, nhưng không giống (hay đối nghịch) với thực tại “Thơ Ở Đâu Xa”, và là một thực tại đời thường, đưa thơ tới sự bình đẳng và cảm thông với mọi kiếp người.
Anh tới Mỹ vào cái tuổi 54, đã mệt mỏi vì tù đày và suy nghĩ. Oái oăm thay, anh đang lập lại thời kỳ thanh xuân cũ, di cư một lần nữa tới vùng đất mới. Anh lại trốn chạy thực tại bằng cách quay về với đời sống sách vở. Nhưng bây giờ anh đọc chỉ để đọc, cũng không có nhu cầu để biết, đọc để nhìn ngắm lại những kinh nghiệm đã qua, không còn ước vọng trở thành nhà văn như thời còn trẻ. Vì thế anh không thiết tha nắm bắt bất cứ gì, ngay cả cho thơ. Nhìn lại con đường thơ của anh, chúng ta có cảm tưởng anh đã được chọn để đi cho hết đoạn đường gian truân đó cho thơ Việt, dù anh có muốn hay không.
*
Trước khi nhà văn Mai Thảo mất, tập san Hợp Lưu có hỏi bài, tôi hứa sẽ viết về thơ ông. Nhưng tôi không viết đựoc. Đến khi ông mất, tôi cũng viết không được, và chỉ có thể làm một số đặc biệt trên Tạp chí Thơ để các bạn ông viết về ông. Có tranh màu Ngọc Dũng, bài của Duy Thanh và Thanh Tâm Tuyền. Trong khi Bùi Giáng, trước 1975 tôi chưa hề biết mặt nhưng lại viết được một bài cho ông. Ông đã đọc trước khi mất. Trường hợp thơ Thanh Tâm Tuyền tôi cũng không viết đựơc. Tôi tự nhủ, thôi cũng chẳng cần viết làm gì.
Ra hải ngoại, anh viết không nhiều, tôi chỉ đọc được bài “Trong Đất Trời Nhau…” viết về nhà văn Mai Thảo đăng trên số 12, mùa Xuân 1998, Tạp chí Thơ, đặc biệt về Mai Thảo. Trên Website thơ tân hình thức, gần đến ngày giỗ đầu của anh, tôi muốn làm một tuần lễ đặc biệt như thế về anh. Nhưng những người bạn của anh nay cũng không còn bao nhiêu, nếu còn thì cũng nhớ nhớ quên quên cả rồi. Ngày 22 – 2 năm 1993, anh có gửi cho tôi bài viết “Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù”, trước khi tôi làm Tạp chí Thơ vào mùa Thu năm 1994, với ghi chú “Đọc cho đỡ buồn”. Vì thế tôi không sử dụng cho Tạp chí Thơ sau đó. Đây là bài viết anh chọn một câu hỏi của anh Lê Hữu Khóa ở Pháp, viết thành. Bây giờ lục ra và đọc lại, 14 năm sau.
Sau tháng 4 – 1975, anh vừa hơn 40 tuổi. Đi tù 7 năm, trở về, 7 năm sau (1990), anh qua Mỹ. Tôi quen anh lúc anh đi tù về, gặp ở nhà họa sĩ Thái Tuấn. Lúc này anh không còn tiếp ai ngoài một vài người bạn còn ở lại như họa sĩ Thái Tuấn, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, nhà văn Phan Lạc Phúc, nhà thơ Hà Thượng Nhân, có đủ kịch truyện thơ họa, thêm các anh Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán. Tôi không hiểu tại sao anh lại thân thiết với tôi, có lẽ vì lúc đó, tôi không còn quan tâm tới chuyện văn chương, chuyện thời thế. Tôi coi anh như một người anh, anh coi tôi như một chú em, chẳng liên quan gì tới văn nghệ. Điều đáng nói là trước 1975, tôi vẫn đứng ngoài đời sống và sinh hoạt văn nghệ. Năm 1972 tôi có tự in lấy một tập kịch rồi bị cuốn trong cơn lốc chiến tranh, mất biệt. Tôi cũng không nghe thấy anh nói về tập thơ làm trong tù của anh.
Tôi vượt biên năm 1987 (1), gặp lại anh tại Orange County, California vào năm 1991. Vài năm sau, 1994, tôi bước chân vào sinh hoạt văn nghệ, làm Tạp chí Thơ. Anh lẳng lặng bước ra ngoài sinh hoạt văn nghệ. 10 năm sau Tạp chí Thơ, tôi bước ra ngoài sinh hoạt văn nghệ, bước vào cái toàn cảnh của đời sống, vài năm sau anh bước ra khỏi cuộc đời. Cuối cùng rồi ai cũng phải ném cái mộng của mình đi. Thật ra thì có mộng gì đâu mà ném, chẳng qua là thời thế đẩy đưa đó thôi.
___________________________________________
Chú thích
(1). Trước khi vượt biên, tôi có gửi lại anh bài thơ (vẽ chân dung bằng chữ), vì biết rằng đi là đi mãi, không có ngàygặp lại. Cái tâm trạng vượt biên hồi đó rất kỳ lạ, ngay cả cái sống chết cũng còn không màng nữa là chuyện khác. Cuộc đời, ngoảnh đi ngoảnh lại, sao mà nhanh quá. Bài thơ tôi cũng xin ghi lại đây.
Thử Vẽ Phác Chân Dung Một Thi Sĩ
Thở dồn dập phôi pha xưa mắt rối
Gió rêu
Ngày siết nhớ nụ cười đáy hồ tắt
Nắng hú
Khỏa thân người
Nhả thân trôi
Lời xẫm xanh lời
Hoài hủy nói
Khói ngốc nghếch đùa điên môi mưa
Sần sùi thổi
Ngồi man mác rong
Thuốc lá cà phê và thi sĩ.
Sài gòn 1986