Câu chuyện không vần kể lại – Khế iêm

Câu Chuyện Không Vần Kể Lại

Gửi nhà thơ Inrasara

 

Vào giữa thế kỷ 16, khi Earl of Surrey dùng thể thơ không vần của Ý để dịch thơ của Virgil sang tiếng Anh, ông đã

chuyển thể thơ không vần (cuối dòng) của Ý sang thơ Anh. Rồi thơ từ những ngôn ngữ đa âm và trọng âm như tiếng Đức, tiếng Nga … lại tiếp nhận thơ không vần từ thơ Anh. Gần 5 thế kỷ sau, thơ Việt tiếp nhận thơ không vần từ thơ tiếng Anh. Như vậy thơ không vần có liên quan gì tới thơ tân hình thức Việt?

 

Thơ Tân hình thức xuất phát từ Mỹ, trong quan điểm, đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ bằng cách dùng lại những thể thơ truyền thống, để cứu vãn thơ trong tình trạng người đọc thơ càng ngày càng cạn kiệt, hậu quả của một thế kỷ làm mới của thơ tự do. Nguyên nhân chính là thơ Mỹ đã khai thác hết những khả năng của thơ tự do, và rơi vào trò chơi khó hiểu của ngôn ngữ. Sau nữa là nền văn minh vi tính đã đưa tình trạng kỹ thuật sang một khúc quanh mới, mang ưu thế đến cho TV, điện ảnh và các phương tiện truyền thông. Không chỉ có thơ mà các ngành nghệ thuật khác như hội họa, kịch nghệ cũng chịu chung số phận khó khăn. Có lẽ còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, mà chúng ta khó có thể biết được. Vì khi xã hội thay đổi, báo hiệu những chuyển biến lớn thì đồng loạt kéo theo nhiểu thay đổi ở khắp mọi lãnh vực, nhất là thập niên 1980 ở Mỹ, nơi được coi là đất lành để ươm trồng và thực hành chủ

 

nghĩa hậu hiện đại. Phong trào thơ tân hình thức lúc đó được hình thành một cách tự phát, mới đầu chỉ có vài nhà thơ thực hành theo thể luật truyền thống, với ngôn ngữ đời thường, gây được sự chú ý của những nhà phê bình. Sau đó càng ngày càng thu hút được nhiều người, cho đến thập niên 1990 thì trở thành một phong trào rộng lớn.

 

Khi cái hay (trong thơ) và cái đẹp (trong hội họa) được thay thế bằng tiến trình đi tìm ý nghĩa (trong tác phẩm), thì những nhà hiện đại, tự coi là cấp tiến, những nhà sáng tạo, khởi đi từ chủ nghĩa Tượng Trưng (trong thơ) và chủ nghĩa Ấn tựơng (trong hội họa). Mê cuồng với những quyền năng mới, lấy cái lạ, cái mới làm tiêu chuẩn nghệ thuật, những nhà hiện đại luôn luôn coi thường những điều bình thường. Trong khi thơ là những chuyện bình thường, là lời ca của đám đông, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Cái đẹp bị bóp méo, thậm chí xấu xí đi. Trong thơ không còn cái hay, trong tranh không còn cái đẹp, hay cái hay cái đẹp được định nghĩa không còn đúng với ý nghĩa của chính nó. Thơ là sự cảm nhận trực tiếp nên khi phân tích để tìm ra ý nghĩa, thơ mất đi, và chỉ còn là phương tiện để phô bày kiến thức, qua diễn giải. Khốn nỗi, kiến thức chỉ là nội dung của thời đại chính họ. Khi mắc kẹt vào kiến thức, chữ, đường nét và màu sắc, họ mắc kẹt vào phương tiện. Sau thời kỳ hậu hiện đại (thật ra chỉ là thời quá độ của chủ nghĩa hiện đại) những nhà thơ, họa sĩ quay về hồi phục cái hay cái đẹp (chủ nghĩa tân hiện thực) truyền thống. Con người đã quá mệt mỏi với tinh thần nổi loạn và đập phá của thời hiện đại, quay về cái hay, cái đẹp để tìm lại sự bình an trong tâm hồn.

 

Đề cập một chút về thuật ngữ “tân hình thức”. Khi những nhà thơ Mỹ vào những thập niên 1980 – 90 quay trở lại phục hồi thơ vần luật (meter and rhyme), thì thuật ngữ này là do những người chống đối phong trào gán cho. “Tân” ở đây chỉ có ý nghĩa “trở về”

 

(retro) truyền thống. Điều tự nhiên là những thể thơ (form) thì trung tính, và mỗi thời kỳ thơ, chúng ta rót nội dung, ngôn ngữ và cách diễn đạt của riêng mình vào đó. Khi thơ không còn là vấn đề để bàn cãi, những phong trào thơ tự lui vào bóng tối, thì những nhà thơ, hoặc làm thơ tự do, hoặc vần luật, những thuật ngữ đã không còn cần thiết, thơ hay là được rồi. Đó là vấn đề của thơ Mỹ. Nhưng thuật ngữ “Tân hình thức” lại rất đắc dụng với thơ Việt. Thơ Việt cũng quay trở lại lấy những thể thơ truyền thống như lục bát, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ nhưng lại dùng vài yếu tố như vắt dòng và kỹ thuật lập lại, chuyển tất cả những thể thơ truyền thống, từ có vần thành không vần. Như vậy “Tân hình thức”, trong thơ Việt, bao gồm nhiều thể thơ mới, và không vần.

 

Đối với thơ Việt, gọi là Tân hình thức, là do tinh thần trở về đời sống thực tại, hồi phục lại nghệ thuật thơ và những giá trị nhân bản đã mất, sau rất nhiều tàn phá của chiến tranh, và những tiêu cực của tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm sơ cứng tâm hồn con người. Trong thực hành là sự tiếp nhận thể thơ không vần của thơ tiếng Anh. Đây là một thể thơ mà các ngôn ngữ ở phương Đông khó tiếp nhận vì không phải là ngôn ngữ trọng âm. Nhìn bài thơ, hình thức giống như một bài thơ, nhưng khi đọc thì lại thấy giống như văn xuôi, đọc xong thì lại thấy đó là thơ chứ không phải văn xuôi. Vì nó đã sử dụng hai yếu tố tối ưu của thơ và tối kỵ đối với văn xuôi: vắt dòng và lập lại.

 

Gọi là văn xuôi khi viết hết, đụng tới hết lề phải của trang giấy, mới xuống hàng, cứ như thế cho hết một đoạn văn. Còn về thơ, dòng (line) dài hay ngắn (thơ tự do) hay mỗi dòng có một số chữ nhất định (7, 8 chữ, lục bát) là xuống hàng. Sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi chỉ trong một đường tơ kẽ tóc. Luật thơ, ở ngôn ngữ nào cũng vậy, đều rút ra từ ngôn ngữ nói. Thơ tiếng Anh, (không nhấn, nhấn), cứ đều đếu như vậy, lập đi lập lại 5 lần trong 1 dòng,

 

10 âm tiết (dĩ nhiên có những luật khác làm thay đổi tính đều đặn của iambic). Thơ có trước luật thơ vì vậy luật thơ chỉ là phương tiện hướng dẫn người đọc muốn tìm hiểu thơ. Còn nhà thơ, luật thơ đã có sẵn trong tâm thức, tài năng, nên lời thơ tuôn ra một cách tự nhiên, như lời nói. Mỗi ngôn ngữ có những bản sắc khác nhau, có khi ròn rã (như tiếng Anh), có khi du dương trầm bổng (như tiếng Việt) vì thế luật thơ cũng khác nhau. Luật iambic làm cô lại nhịp điệu nói của tiếng Anh, còn thơ Việt, chỉ là sự sắp xếp nhịp nhàng tính bằng trắc của ngôn ngữ.

 

Những nhà thơ Mỹ phổ những câu nói đời thường vào thể luật iambic cũng giống như vọng cổ mang vào âm luật cổ nhạc, khi ca lên chúng thành vọng cổ, còn khi viết xuống trên mặt giấy, thì chỉ là những câu nói bình thường. Nhưng vì ngôn ngữ tiếng Anh vừa đa âm và trọng âm, nên dễ vần ở cuối dòng thơ, và vì thế khi chuyển câu nói và ngôn ngữ thường ngày, nhà thơ có thể sử dụng cả thể luật thơ vần không vần. Thơ vần không vần trong thơ Anh chỉ khác nhau vần ở cuối dòng, còn luật thơ thì vẫn như nhau. Với thơ Việt, không thể mang những câu nói đời thường vào vì bị vướng luật vần ở cuối câu, nên phải dùng kỹ thuật vắt dòng và kỹ thuật lập lại, thay thế vần.

 

Thơ Tân hình thức Việt khởi đầu với tiểu luận: “Chú Giải Về Thơ Tân Hình Thức” lôi cuốn 11 nhà thơ sáng tác theo thể loại này. Những nhà thơ đến với thơ tân hình thức chỉ với một mục đích vui chơi, không có bất cứ bận tâm nào khác (đây chắc hẳn cũng là bản chất của thơ). Cũng cần ghi nhận rằng, phong trào thơ tân hình thức chỉ có ở Mỹ, ngay cả thơ tại Anh cũng không có. Ở Pháp, nhà thơ Đỗ Kh. dịch thơ của Jean Rista, cứ đúng 12 chân (âm tiết) xuống hàng, là hình thức đếm âm tiết để chế diễu truyền thống của những nhà hiện đại. Một phần vì những nhà hiện đại luôn luôn muốn độc đáo, khác người, tìm mọi cách gây sốc. Và một phần,

 

suốt cả thế kỷ, những nhà hiện đại không ngừng nắm lấy mọi cơ hội để chế diễu truyền thống, như một phía đối nghịch. Trong khi những nhà thơ tân hình thức Mỹ bắt đầu với thể luật và không liên hệ gì với thơ tự do của thời hiện đại.

 

Thơ Tân hình thức ở thời kỳ này chưa thật sự có cá tính là một dòng thơ mới. Đúng hơn, thơ không vần Việt, về ngôn ngữ gần với thơ không vần tiếng Anh thời lãng mạn, Wordsworth chẳng hạn, về phong cách lại gần với thơ tự do phái hình tượng đầu thế kỷ 20. Vì Wordsworth thay ngôn ngữ trừu tượng thời Victoria, thế kỷ 18, bằng ngôn ngữ thông thường trong thơ không vần. Còn phái Hình tượng, cũng chủ trương dùng ngôn ngữ nói thông thường, nhưng thoát ra ngoài thể luật iambic, gần với tính cách hài hòa ngôn ngữ của thơ Việt. Thơ không vần Việt, vì thế không hề cắt đứt, mà là đường nối giữa truyền thống và hiện đại.

 

Chính vì khởi đầu như thế nên thơ Tân hình thức còn rất nhiều khuyết điểm, và bị chống đối mạnh mẽ từ những người không làm thơ tân hình thức. Sự chống đối mang tính bất công và thành kiến rõ rệt, nhưng bây giờ ngẫm lại, nó đã giúp cho những nhà thơ tân hình thức nhận ra những hạn chế của mình. Khi coi chuyện làm thơ tân hình thức chỉ như một trò vui chơi, thì cái hay cái dở không còn là vấn đề. Và qua tinh thần đó, những nhà thơ cảm nhận được những tâm tình mới, bình đẳng với mọi người và bình đẳng với nhau. Nhưng trò chơi này không còn là một trò chơi nữa vì càng lúc càng có nhiều người tham dự, lên đến 64 người với tuyển tập thơ Không Vần, vào đầu năm 2006, kèm theo những bài nhận định và dịch thuật xuất hiện. Ý thức đổi mới và học hỏi từ mọi nguồn thơ, và cả mọi ngành nghệ thuật khác bắt đầu hình thành.

 

Đến đây, chúng ta đề cập tới vấn đề những yếu tố và kỹ thuật của thơ tân hình thức. Nếu thể thơ không vần với kỹ thuật vắt dòng, chỉ

 

là hình thức, không phải nội dung, là phương tiện nối kết với mọi thế hệ, thì ngôn ngữ đời thường và tính truyện lại là những yếu tố hoàn toàn khác hẳn thơ vần điệu và tự do. Ngôn ngữ đời thường là những câu nói của những người bình thường, dung dị, trực tiếp. Khác với thơ vần và tự do là loại ngôn ngữ bóng bảy, trừu tượng hay khó hiểu. Ngay như ca dao, tuy nội dung và ngôn ngữ bình thường nói về những sinh hoạt đồng ruộng, nhưng bằng những câu ru điệu hát. Trong đời sống không ai ru hay hát khi giao tiếp với nhau. Những nhà thơ tân hình thức cho rằng mọi câu nói và cách nói trong đời sống thường nhật thuộc về ngôn ngữ thơ Tân hình thức.

 

Nhưng trong đời sống có rất nhiều thành phần xã hội, từ lớp cùng đinh tới những tầng lớp cao hơn, từ loại người đầu đường xó chợ, băng nhóm ngoài lề xã hội tới những thành phần học thức, ngành nghề, sinh viên học sinh … Mỗi hạng người có cách nói cách nghĩ, cách giao tiếp, và vì thế có một loại ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ thơ Tân hình thức bao gồm tất cả. Như vậy thì chưa ai chạm tới được ngôn ngữ đời thường này, nếu có thì cũng không đáng nói. Vì vậy mà thơ tân hình thức chưa có vóc dáng đặc biệt và phong cách lớn lao của nó.

 

Ngôn ngữ đời thường kết hợp với tính truyện là hai yếu tố chính trong thơ. Nếu không có tính truyện mà chỉ là những cảm xúc nhất thời thì cũng chưa đúng thơ Tân hình thức. Tính truyện không hẳn là một câu truyện kể, mà là tính liên tục của một ý tưởng, một câu truyện làm bật lên tư tưởng của bài thơ. Còn một bài thơ kể một câu truyện thì chúng ta gọi là thơ “Tân tự sự” (the new nar- rative). Truyện kể có thể là truyện dài, truyện ngắn hay truyện cực ngắn. Nhưng sao phải là truyện kể mà không là gì khác. Trong thời đại truyền thông, với tốc độ ngốn tin khủng khiếp của phương tiện truyền hình và internet, gần như mọi truyện kể đều biến thành những bản tin. Khi truyện kể bị giản lược tối đa, biến thành những

 

bản tin, không còn tình tiết, bố cục, cảm xúc của một câu truyện, hết bản tin này đến bản tin khác, đến độ người đọc, người xem luôn luôn bị cuốn vào cơn lốc, để rồi chính mình cũng biến thành một phần của bản tin. Truyện kể dần dần mất đi, bị quên lãng chẳng khác nào thơ đã từng bị vùi dập vì cơn lốc làm mới suốt thời hiện đại. Hồi phục lại thơ cũng có nghĩa là hồi phục lại truyện kể (cũng đã từng mất đi trong thời hiện đại), giúp con người quân bình đời sống, giữa thế giới ảo và thực. Hơn nữa, từ xa xưa, tính truyện cũng đã là một phần của tính thơ.

 

Yếu tố thứ ba, quan trọng đặc biệt cho thơ, nhất là thơ Việt, là nhịp điệu (ryhtm). Thơ vần điệu gọi nhạc tính, còn trong thơ tự do, nhịp điệu rất sơ sài, chỉ là những nhịp nói hoặc nhịp âm của chính ngôn ngữ. Với thơ Tân hình thức, nếu là nhưng câu nói hay cách nói bình thường thì đó chỉ là những câu đối thoại hay kể lể của văn xuôi. Khi thơ tư do tiếng Anh đầu thế kỷ 20, muốn thay thế nhạc tính trong thơ truyền thống, họ sử dụng nhiều phương cách, một trong phương cách đó là lập lại câu chữ để thay thế công dụng của thể luật. Thể luật thơ tiếng Anh có lợi thế là biến ngôn ngữ đời thường thành nhịp điệu và ngôn ngữ thơ, nên thơ không bị rơi vào văn xuôi. Thơ Việt vì sự sắp xếp hài hòa của bằng trắc nên giống như thơ tự do tiếng Anh (thoát ra ngoài thể luật) hay bị lạm dụng, ngắt đoạn văn xuôi (chopped up) xuống dòng để coi giống như thơ. Vì kỹ thuật dòng gãy (line break) trong thơ tự do (cũng tương tự như vắt dòng trong thơ không vần) là một hình thức để phân biệt với văn xuôi.

.

Đối với thơ không vần tiếng Việt, kỹ thuật lập lại câu chữ có nhiều lợi thế, vì khi mang đời sống vào thơ, mà nhịp điệu đời thường là nhịp điệu của văn xuôi, nên khi dùng kỹ thuật này chúng ta được cả hai việc, đưa vào thơ một yếu tố mới, nhịp điệu, tạo thành thể luật thơ không vần Việt, đồng thời biến văn xuôi thành thơ và ngôn

 

ngữ đời thường thành ngôn ngữ thơ, công dụng chẳng khác nào âm luật vọng cổ hay thể luật trong thơ tiếng Anh. Ngay nhà thơ Steele cũng cho rằng thơ thế kỷ 21 phải là kết hợp giữa thể luật và nhịp điệu. Với thơ Việt là sự kết hợp sự hài hoà bằng trắc và nhịp điệu.

 

Một điểm mấu chốt trong thơ Tân hình thức Việt, là tuôn đời sống vào trong thơ. Thơ không còn là vấn đề của nội tâm, và những hồi tưởng quá khứ, mà là đời sống sinh động, hiển hiện ngay trước mắt. Thơ vần điệu hay tự do, vì những hạn chế trong cách sáng tác nên khó có thể làm được như vậy. Nhưng đa số những nhà thơ tham gia vào phong trào thơ tân hình thức đều là những người đã sáng tác và thành danh với thơ vần hoặc thơ tự do nhiều năm, nên khó thoát ra khỏi phong cách diễn đạt và ngôn ngữ, hoặc bóng bảy, hoặc khó hiểu của các loại thơ cũ. Thêm vào nữa, thơ tân hình thức cũng chưa đến được với những người sáng tác trẻ, hoặc vì những hạn chế về thông tin hoặc vì họ chưa nắm rõ quan điểm của dòng thơ này. Vì thế có thể giải thích tại sao chúng ta chưa có được những nhà thơ thật sự gắn bó với sự chuyển đổi, dù rằng đã có những sáng tác giá trị, tuy không nhiều, đúng với tiêu chỉ của thơ tân hình thức.

 

Nhà thơ Federic Turner cho rằng, ông không muốn mất một tí gì của hiện đại. Nhưng thơ không vần Việt, một cách tự nhiên, đã chẳng phải là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện đại đó sao. Như vậy, mọi kinh nghiệm đều tốt nếu chúng ta áp dụng vào được trong thơ. Trong lúc thực hành, những nhà thơ tân hình thức Việt đã dùng lại một kỹ thuật, từ những nhà hiện đại.

 

“Câu Chuyện Không Vần, Kể Lại” có nghĩa là chúng tôi chỉ giải thích thêm về những điểm căn bản đã viết về thơ tân hình thức. Thẩm quyền phát biểu bây giờ thuộc về những nhà thơ thực hành dòng thơ này. Những phát biểu đó khả tín tới đâu tùy thuộc mức độ thực hành của từng tác giả. Bởi chỉ qua thực hành mới có thể phát

 

hiện những yếu tố mới cho thơ. Đây chính là điều hấp dẫn và thách thức đối với những nhà thơ tân hình thức Việt. Chúng ta cần phải đặt mình trong nguyên tắc sáng tác, không bao giờ lập lại bài này giống bài nọ, hay ngắt đoạn văn xuôi xuống dòng. Mỗi bài thơ phải có nhịp điệu (hay tiết tấu), phong cách diễn đạt khác nhau. Cái giá chúng ta trả càng cao, sự thành công càng lớn.

Cuối cùng, xin quí bạn muốn tiếp cận với dòng thơ này, xin tự giải trừ những quan điểm, thành kiến còn tồn đọng do cái đọc, cái tiếp thu, và cả từ những cảm xúc cũ. Vì thường chúng ta đọc thơ tân hình thức bằng cách đọc và cảm quan của thơ vần điệu hay tự do nên không thấy được cái hay của dòng thơ này.