ĐỌC – DIỄN THƠ TÂN HÌNH THỨC
______________________________
Biển Bắc
Như chúng ta đã biết, một đặc trưng điển hình của Thơ Tân Hình Thức Việt là tính truyện/chuyện. Thế nên Thơ Tân Hình Thức Việt là một loại thơ kể truyện/chuyện và mỗi bài Thơ Tân Hình Thức Việt là một câu truyện/chuyện kể. Thông thường, chúng ta hay nói rằng kể chuyện hay đọc truyện. Như vậy Thơ Tân Hình Thức Việt là một thể thơ để kể, để đọc (!)
Văn xuôi hay thơ ca, bất cứ thể loại nào ở cả hai lãnh vực này, đều có cách đọc của nó. Và như thế, mỗi cách đọc đều có cái khái niệm cùng định nghĩa riêng của nó. Trong văn học xưa, nay, từ mọi góc cạnh của từng sân chơi, đã có nhiều bàn luận và định nghĩa về cái ĐỌC. Theo cách phổ biến, ĐỌC được định nghĩa như sau:
- Phát thành tiếng, thành lời những điều đã được viết ra theo đúng trình tự, bản viết có sẵn.
- Nhìn vào một tập hợp kí hiệu, bản viết, bản vẽ để tiếp thu nội dung.
- Thấu hiểu điều không lộ ra bằng quan sát mắt nhìn vào những biểu hiện bên ngoài hiểu rõ điều gì.
- Thu lấy thông tin từ một thiết bị lưu trữ của máy tính (như đĩa từ, đĩa CD, v.v.).
Là một thể thơ để kể, để đọc (một câu truyện/chuyện), Thơ Tân Hình Thức Việt dĩ nhiên cũng có cách đọc riêng của nó cùng khái niệm, định nghĩa về cái đọc rất đặc thù. Trong phạm trù Thơ Tân Hình Thức Việt, ĐỌC được định nghĩa như sau:
Quan sát bản ký-hiệu, nhìn bản-viết, cất lên tiếng-lời-nói cộng với hiển thị biểu-thức-cơ-thể, với mục đích truyền đạt nội dung, tư tưởng, một hoặc cùng một lúc nhiều kỹ thuật trong bốn kỹ thuật của thể Thơ Tân Hình Thức Việt, của một điều gì đó để được tiếp nhận.
Như vậy, cái đọc của Thơ Tân Hình Thức Việt có 2 cách:
- Đọc trong im lặng.
- Đọc thành tiếng.
Khi chúng ta đọc một bài Thơ Tân Hình Thức Việt trong im lặng, lần đầu tiên, dĩ nhiên chúng ta đọc bằng mắt (thị giác). Chúng ta quan sát bài viết, thấy nó là một tập hợp của những chữ được sắp xếp theo một trình tự mang hình thức một bài thơ, một bài thơ hình thể truyền thống:
Phông Chắn Gió
Tôi dựa vào hư không
anh hỏi cô chủ hàng
cà phê có làn da
trắng mịn như sữa tươi
Khi ngả lưng vào tấm
bia ngôi mộ vô chủ
vàng ngà lâu nay đã
trở thành tấm phông chắn
Gió cho khách hàng đến
đây uống cà phê bó
gối trên những chiếc đẩu
nhựa vàng ngà ngà nhả
Khói thuốc lá vào khoảng
không không sao đâu anh
cô chủ hàng cà phê
có làn da trắng mịn
Như sữa tươi cười nói
em cũng dựa vào hư
không để kiếm sống như
tất cả xung quanh đây
Và rồi chúng ta đọc trong đầu theo lối đọc quen thuộc đã thành thói quen. Thói quen đọc thơ truyền thống là ngừng lại ở mỗi hàng chữ, rồi chúng ta mong đợi những hàng chữ kế dưới sẽ có những vần điệu theo thể luật quen thuộc như lục-bát (6A-6A8B-6B-6B8C), tứ tuyệt (A-A-B-A hoặc A-B-A-B), liên hoàn (A-A B-B C-C …) hay song-thất-lục-bát (7A-7B-6B-6B8C-7C-7D-….). Nhưng Thơ Tân Hình Thức Việt là một loại thơ không vần nên chúng ta bị thất vọng trước những mong đợi ở vần điệu, khiến chúng ta bối rối khó hiểu nên chúng ta lại thử đọc lại thêm một lần. Lần này, chúng ta dõi mắt đi tìm vần điệu quen thuộc để chúng ta bắt nhịp đọc cho trôi chảy. Kỹ thuật lặp/lập lại một số cụm từ hay chữ hoặc âm-chữ trong Thơ Tân Hình Thức Việt cốt là để trợ giúp cho việc bắt nhịp này. Những lặp/lập lại trong bài-thơ-ví-dụ gồm có:
Hư-không; Chủ-hàng; Làn-da;Trắng-mịn; Sữa-tươi; Vàng-ngà; Cà-phê………
Bởi vì, có thể vẫn còn quen theo thể luật cố định của thơ truyền thống, nên cho dù chúng ta bắt được nhịp vần chứ có thể chưa bắt được nhịp điệu của bài thơ, nên chúng ta thấy nó khang khác, còn lùng bùng, trúc trắc, trục trặc. Bước kế là chúng ta buông thả đầu mối âm-ngữ (=vần điệu và con chữ) để nắm-bắt nội dung nên chúng ta thử đọc bài thơ một lèo như một bài văn xuôi. Có thể chúng ta đọc đi đọc lại thêm vài lần, hoặc chỉ một lần, chúng ta rút ra kết luận cho riêng mình về nội dung của bài thơ: à ra thế!
Như vậy, một bài Thơ Tân Hình Thức Việt khi đọc trong im lặng, đọc một mình, là một môi trường cho người đọc và người viết “gặp nhau” qua sự nối kết của nội dung, tư tưởng truyền đạt và được tiếp nhận. Ngôn ngữ đời thường, ngôn-ngữ-nói là một phương tiện tốt, gần gũi người đọc để dễ hiểu. Đọc một bài Thơ Tân Hình Thức Việt trong im lặng, chúng ta phải thay đổi cách đọc thơ như chúng ta vẫn quen cách đọc thơ truyền thống. Nghĩa là chúng ta, trước tiên, không để hình thể truyền thống của bài thơ quyết định nhịp đọc của chúng ta (nghỉ hơi, lên giọng, xuống giọng vân vân) và kế đến, không để vần điệu chi phối động cơ thúc đẩy chúng ta đọc. Thơ Tân Hình Thức Việt với ngôn ngữ đời thường, chính xác hơn là ngôn-ngữ-nói, cho dù trong im lặng hay thành tiếng, là một thể thơ để đọc từ quan điểm thực chất nội dung cùng tư tưởng, tuyệt nhiên không phải là thể thơ thị giác. Hãy để sự hiếu kỳ về nội dung, tư tưởng của bài Thơ Tân Hình Thức Việt thức thách chúng ta nắm bắt, để sự vắt dòng quyến rũ chúng ta khắc phục và những lặp/lập lại lôi cuốn chúng ta theo mạch chảy của bài thơ từ chữ đầu đến chữ cuối! Hãy đọc liền mạch:
Tôi dựa vào hư không anh hỏi cô chủ hàng cà phê có làn da trắng mịn như sữa tươi khi ngả lưng vào tấm bia ngôi mộ vô chủ vàng ngà lâu nay đã trở thành tấm phông chắn gió cho khách hàng đến đây uống cà phê bó gối trên những chiếc đẩu nhựa vàng ngà ngà nhả khói thuốc lá vào khoảng không không sao đâu anh cô chủ hàng cà phê có làn da trắng mịn như sữa tươi cười nói em cũng dựa vào hư không để kiếm sống như tất cả xung quanh đây
Và hãy tự đặt dấu phẩy, dấu chấm, dấu hỏi, vân vân trong bài thơ, theo suy diễn của mình. Rồi thì: à ra thế! Ra là chúng ta khi đọc bài thơ trong im lặng, một mình, chúng ta tự quyết cách đọc của mình và khống chế thế giới trí tưởng tượng của mình. Bởi vì cái hiểu ở đây rất riêng biệt, rất chủ quan. Bởi vì người viết quyết định cái viết, cách viết khi viết bài thơ chứ không quyết định cái đọc và cách đọc.
Âm thanh đọc trong tri óc, trong thế giới tưởng tượng của chúng ta thường thường được phát lên với một giọng đều đều (=đơn điệu). Đồng thời âm thanh chúng ta đọc trong im lặng cũng rất chủ quan theo lối suy diễn xây dựng trên những hình ảnh đã trải nghiệm của chúng ta. Như chúng ta biết rằng “tiếng mưa”, “tiếng gió” là một thứ tiếng, ngôn ngữ rất đời thường xuyên mọi quốc gia, mọi sắc dân, mọi chủng tộc. Bởi vì bất cứ ai trên trái đất này, bất cứ thông thạo hay không thông thạo ngôn ngữ nào, khi nghe tiếng mưa hay tiếng gió, cũng đều hiểu và biết rằng đó là mưa là gió. Tuy nhiên, khi đọc chữ “gió” hay chữ “mưa”, thì tiếng, hay âm thanh của gió, mưa có thể khác biệt giữa người này với người kia. Lý do của sự khác biệt này là cái ấn tượng về gió và mưa giữa người này và người kia khác nhau:
- Với một người ở sa-mạc thì tiếng gió nghe vun vút, ào ào, còn người ở trong rừng cây lại nghe tiếng gió rì rào, lao xao;
- Ở đồng nội, một người nghe tiếng gió kêu râm ri, vi vu, trong khi ở núi đồi một người nghe ra tiếng gió vi vút, hun hút;
- Với một tâm trạng phấn khởi thì tiếng mưa rơi nghe rào rào, lộp độp;
- Tiếng mưa sẽ tí tách, lả chả khi chúng ta nghe trong tâm trạng buồn-ngùi.
Như vậy, những (khác biệt của) ấn tượng sẽ được sáng tỏ khi được biểu hiện. Một bài Thơ Tân Hình Thức Việt, vốn là một câu chuyện/truyện với một nội dung/tư tưởng muốn truyền đạt, được kể qua một thể thơ không vần lồng trong nhịp điệu nào đó. Một bài Thơ Tân Hình Thức Việt sẽ được tiếp nhận đúng giá trị của nó khi được truyền đạt bằng cùng một lúc qua ngôn ngữ và hành động. Ngôn ngữ, ở đây là lời kể hay là âm thanh đọc. Hành động, ở đây là biểu cảm hay là thể hiện cảm xúc. Nói một cách đơn giản: cách tốt nhất để thưởng thức một bài Thơ Tân Hình Thức Việt là đọc thành lên thành tiếng theo nhịp điệu của bài thơ với những hành động cụ thể để diễn đạt cảm xúc.
Một bài Thơ Tân Hình Thức Việt có thể đọc từ 3 góc độ:
- Từ quan điểm của người viết;
- Từ quan điểm của người đọc;
- Từ quan điểm của người nghe.
Ở quan điểm của người viết thì thông thường là góc nhìn của người muốn truyền đạt một điều gì đó. Người viết hay đọc những gì mình viết trong im lặng với những màu sắc, âm thanh, mùi, vị, cảm giác trong trí óc chứ không bằng bất cứ một giác quan nào. Người viết trước giờ vẫn hay quen dùng ngôn-ngữ-viết, nên thường có những ngộ nhận ở mặt cảnh ngữ khi đọc. Thơ Tân Hình Thức Việt với kỹ thuật dùng ngôn ngữ đời thường, hay chính xác hơn là ngôn-ngữ-nói, xem ra là một phương tiện rất thích hợp để nối cầu giữa người viết và người đọc; giữa truyền đạt và tiếp nhận. Và sẽ khắc phục được nhiều ngộ nhận ở mặt cảnh ngữ. Tuy vậy, do không dùng những dấu chấm, phẩy, hỏi, than, vân vân, trong một bài Thơ Tân Hình Thức Việt, nên sự chọn hình thể bài thơ cũng là một điều quan trọng đối với sự truyền đạt. Mà có đôi khi cũng là một cách người viết đánh đố người đọc để tạo hứng thú.
Cái hứng thú giải mã những điều người viết muốn nói lên, là quan điểm chủ yếu của người đọc khi đọc. Giải mã ở đây, là khám phá ra nội dung của bài thơ để tiếp nhận tư tưởng của người viết muốn truyền đạt. Điển hình dưới đây:
Tôi dựa vào hư không
Câu 5 chữ này của bài thơ, là câu bắt đầu của bài thơ ví dụ ở phần trên. Người đọc có thể giải mã, ít nhất, theo 2 cách:
- Tôi dựa vào hư không!
- Tôi dựa vào hư không?
Cách thứ nhất, người đọc thêm dấu chấm than (!), thì câu chữ này được hiểu là một câu tuyên bố theo nghĩa rằng tôi sống trong mơ hồ, sống không có điểm tựa, sống dựa vào những điều linh thiêng, khuất mày khuất mặt.
Cách thứ hai, người đọc thêm dấu chấm hỏi (?), câu chữ này lại được hiểu theo nghĩa một câu hỏi rằng tôi dựa vào cái gì đó (ở đây là tấm phông chắn gió) có bị hư (hại gì) không? Ở một cách hiểu khác nữa là tôi xin phép để ngồi/đứng dựa lưng vào tấm phông chắn gió.
Khi đọc trong im lặng, người đọc muốn tìm đầu mối để nắm bắt bài thơ để “tìm gặp” người viết, nối kết luồng tư tưởng của nhau. Khi đọc một bài Thơ Tân Hình Thức Việt lên thành tiếng, người đọc cởi chiếc-áo-tiếp-nhận, mặc vào chiếc áo của người truyền đạt. Qua âm thanh đọc cộng với những hành động diễn đạt cảm xúc, người đọc đóng vai trò truyền đạt nội dung, tư tưởng của bài thơ đến người nghe.
Quan điểm của người nghe là muốn tiếp nhận điều truyền đạt bằng mọi giác quan của mình. Khi một bài Thơ Tân Hình Thức Việt được đọc lên thành tiếng, có hai loại người nghe:
- Người đọc
- Người nghe
Người đọc, khi đọc lên sẽ nghe tiếng của mình, nhưng âm thanh đó bị chi phối bởi tâm trí của người đọc. Có nghĩa là, người đọc sẽ nghe âm thanh đọc một cách chủ quan; âm thanh của chính mình phát ra mà người đọc nghe được có phần khác với âm thanh mà người khác nghe được. Điều này rất đơn giản vì lẽ âm thanh phát từ miệng ra phía đằng trước, trong khi đôi tai của người đọc ở phía sau cái miệng, nên nghe âm thanh từ đằng sau nó hay nói chính xác hơn là ở trong cuống họng. Một chứng cứ về sự kiện này là khi chúng ta nghe lại tiếng của mình trong bản ghi âm/hình, chúng ta cảm thấy khác lạ và có đôi khi không nhận ra đó là tiếng của mình.
Khác với người đọc nghe âm thanh của chính mình, người nghe tiếp cận âm thanh đọc ở đằng trước, ở một góc độ khách quan. Kiểu cách đọc cùng diễn đạt ảnh hưởng đến âm thanh cùng hình ảnh muốn truyền đạt và định đoạt phần lớn những gì mà người nghe tiếp nhận. Vẫn là câu chữ của ví dụ ở phần trên:
Tôi dựa vào hư không
Nếu người đọc đọc câu chữ này với một giọng thiết tha khẩn khoản đi đôi với ánh mắt dò hỏi trong một tư thế chờ đợi (câu trả lời), thì người nghe, thấy, sẽ tiếp nhận nó là một câu hỏi. Nhưng với một giọng trầm trọng cùng với anh mắt nghiêm túc trong một tư thế bình thường, tự nhiên, thì người nghe sẽ tiếp nhận câu chữ kia như là một lời tuyên bố.
Để thưởng thức giá trị một bài Thơ Tân Hình Thức Việt, chúng ta cũng nên có một cách truyền đạt điển hình. Cách điển hình này, trong Thơ Tân Hình Thức Việt được gọi là Đọc-Diễn và có một quá trình như sau:
- Đọc bài thơ liền một mạch để nắm bắt nội dung một cách tổng thể;
- Sắp xếp lại bài thơ theo cách đọc của người đọc;
- Đọc lại bài thơ theo cách suy diễn của người đọc;
- Lập lại nhiều lần đọc đến khi đọc được trôi chảy nhuần nhuyễn;
- Tìm ra những nhịp điệu trong bài thơ, của bài thơ;
- Đọc lại bài thơ với nhịp điệu đã nắm bắt được;
- Lập lại nhiều lần đọc đến khi đọc được nhịp nhàng;
- Thể hiện những hành động biểu hiện cảm xúc của từng câu chữ, câu đọc;
- Đọc bài thơ với nhịp điệu của nó và diễn đạt cảm xúc của từng đoạn;
- Đọc-Diễn bài Thơ Tân Hình Thức Việt cho (nhiều) người nghe.
Như vậy, Đọc-Diễn một bài Thơ Tân Hình Thức Việt có 10 công đoạn, đòi hỏi một sự chuẩn bị nhiều tâm huyết cùng công tập dợt và đọc diễn một cách (như) chuyên nghiệp. Khi thực hành quá trình Đọc-Diễn một bài Thơ Tân Hình Thức Việt, có những điều của từng bước một, chúng ta nên lưu ý để tránh rơi vào vết xe của lãnh vực nghệ thuật (văn chương) khác hoặc thể thơ khác.
- Như đã nêu lên ở phần đọc trong im lặng ở trên, khi đọc (lên thành tiếng) một bài Thơ Tân Hình Thức Việt để nắm bắt được nội dung và tư tưởng của nó, chúng ta nên đọc liền một mạch như một bài văn xuôi. Chúng ta không để bị chi phối bởi hình thể của bài thơ. Bởi ngộ nhận, nên có nhiều ý kiến cho rằng một bài văn xuôi sắp xếp chữ theo thể hình một bài thơ truyền thống, hẳn là một bài Thơ Tân Hình Thức Việt. Điều này hoàn toàn sai lầm, vì như đã biết, Thơ Tân Hình Thức Việt có tâm thức, ngôn ngữ, kỹ thuật cùng nội dung đặc thù riêng biệt. Mục đích của bước thứ nhất trong quá trình Đọc-Diễn là để làm nổi bật lên tính truyện/chuyện của bài Thơ Tân Hình Thức Việt, để hiểu rõ nội dung. Là từ một bài Thơ Tân Hình Thức Việt (= điểm nguồn) đọc như một bài văn xuôi (=dị dạng) chứ không phải là ngược lại. Xin xem ví dụ ở phần đọc trong im lặng.
- Khi chúng ta đã nắm bắt được nội dung của bài Thơ Tân Hình Thức Việt rồi, chúng ta cải biên nó thành một bài kể chuyên/truyện. Chúng ta tùy theo suy diễn câu chuyện/truyện kể, thêm dấu chấm, phẩy, hỏi, than, vân vân, để đọc cho đúng ngữ điệu, giọng lên xuống.
Xin bấm vào bức hình để đọc rõ chữ.
3. Sau khi sắp lại bài Thơ Tân Hình Thức Việt theo một bài đọc, chúng ta ngắt đoạn từng câu chữ, đọc lên thành từng câu nói:
Xin bấm vào bức hình để đọc rõ chữ.
4. Rồi chúng ta đọc đi đọc lại cho trôi chảy nhuyễn nhuần hơi thở lên xuống, những chỗ cần nhấn mạnh, những chỗ cần đọc nhỏ, vân vân. Nếu cần thiết, chúng ta lại cải biên theo những khám phá mới khi đọc lên bài thơ.
5. Khi chúng ta đọc bài thơ, được chúng ta cải biên theo hơi nhịp đọc của mình, có thể chúng ta đã khám phá ra cái nhịp điệu trong bài thơ rồi. Khi chúng ta khám phá ra nhịp điệu của bài thơ, chúng ta có thể vô tình đã đọc theo nhịp điệu đó rồi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nắm bắt nhịp điệu một cách có ý thức. Lưu ý rằng chúng ta tìm nhịp điệu chứ chúng ta không tìm vần điệu! Như chúng đã biết, kỹ thuật lặp/lập lại một số câu chữ, hay âm chữ, cốt là để tạo nhịp điệu cho bài thơ. Thế nên, chúng ta chú tâm đi tìm những câu chữ hay âm chữ được lặp/lập lại trong bài thơ (coi ví dụ ở phần đọc trong im lặng ở trên). Mục đích của bước thứ năm này trong quá trình Đọc-Diễn là để nhịp nhàng điệu đọc, để làm vang lên nhạc tính của bài Thơ Tân Hình Thức Việt. Có thể, bài Thơ Tân Hình Thức Việt được chúng ta cải biên theo nhịp điệu để đọc, mang hình thể một bài thơ Tự Do Việt, nhưng tuyệt đối không phải là bài thơ Tự Do Việt. Cho nên cách suy luận rằng, nhiều bài thơ Tự Do Việt đem xếp thành một bài thơ mang thể hình một bài thơ tuyền thống là một bài Thơ Tân Hình Thức Việt mới, là hoàn toàn không chính xác! Một bài thơ Tư Do Việt là một bài thơ Tự Do Việt không thể là một bài Thơ Tân Hình Thức Việt được. Một bài thơ của một thể khác, ví dụ thể thơ Tự Do Việt, cải biên thành thể Thơ Tân Hình Thức Việt, là giả mạo, mà ngôn ngữ đời thường hay gọi là “đồ dzỏm”, “hàng nhái”, hoặc trước kia hay nói là “đồ made in Hồng Kông, bên hông Chợ-Lớn” và bây giờ là “hàng trúng quả” (âm tiếng Hoa phổ thông Trúng Quả = Trung Quốc).
Dưới đây là ví dụ cải biên bài Thơ Tân Hình Thức Việt theo những câu chữ hay âm chữ được lặp/lập lại trong bài thơ, cho nhịp nhàng hơi nhịp đọc:
Xin bấm vào bức hình để đọc rõ chữ.
6. Với nhịp điệu bài thơ đã nắm bắt được, chúng ta đọc lên bài Thơ Tân Hình Thức Việt nhịp nhàng như một bài nhạc. Xin lưu ý là một bài nhạc chứ không phải bài hát! Khi chúng ta đọc bài Thơ Tân Hình Thức Việt, chúng ta để nhịp điệu của nó chi phối và dẫn dắt hơi nhịp đọc của chúng ta. Ở bước này, chúng ta cần phân định và xác định rõ ràng cái ĐỌC một bài Thơ Tân Hình Thức Việt. Là một thể thơ không vần, Thơ Tân Hình Thức Việt chú tâm vào nhịp điệu, nên khi đọc, chúng ta đọc theo nhịp điệu, chứ không theo thói quen đọc thơ truyền thống, đọc theo vần điệu. Chúng ta không đọc rỉ rả, hay ngâm, hay vịnh, tấu như chúng ta hay quen thơ vần điệu. Chúng ta cũng không cao giọng, trịnh trọng đọc xướng như đọc thơ Tự Do Việt. Là thể thơ mang tính truyện/chuyện, Thơ Tân Hình Thức Việt là một thể thơ để kể (= đọc-diễn) như là kể một câu chuyện/truyện với một giọng kể bình thường, không cầu kỳ. Ai trong chúng ta khi còn bé, không thường thì cũng thi thoảng, cũng được những người lớn kể chuyện/truyện cổ tích, huyền thoại, một ngàn lẻ một đêm, vân vân cho chúng ta nghe. Cứ thử tưởng tượng, họ kể bằng với giọng ngâm, vịnh như ngâm thơ vần điệu, hay cao giọng, trịnh trọng như thơ Tự Do Việt thì chúng ta sẽ có được những ấn tượng gì nhỉ? Truyện/chuyện Kiều thì là một trường hợp hi hữu, nhưng không ai nói là kể truyện kiều cả, mà là ngâm Kiều, vịnh Kiều, vân vân. Thậm chí là bói Kiều.
7. Từ ý thức của nhịp điệu bài Thơ Tân Hình Thức Việt, qua kỹ thuật lặp/lập lại của các câu chữ hay âm chữ, chúng ta đọc đi đọc lại bài thơ đến mức có thể đọc trong im lặng cũng như thành tiếng. Nghĩa là chúng ta để cho nhịp điệu bài thơ thấm đẫm vào vô thức, chúng ta từ vô thức, đi đến ý thức và trở về lại vô thức khi đã nhập tâm nhịp điệu của bài Thơ Tân Hình Thức Việt.
8. Khi chúng ta nắm vững từ nội dung lẫn nhịp điệu của bài thơ rồi, chúng ta bước qua từ Đọc, đến công đoạn Diễn. Ở bước này, chúng ta chú ý đến mỗi câu chữ, đoạn thơ, có những cảm xúc gì nổi lên. Nếu cần thiết, chúng ta ghi chú ở sau mỗi câu, đoạn, cái cảm xúc của câu, đoạn đó, như “giận”, “mặt hớn hở” “đăm chiêu” “tươi cười”, vân vân. Sau đó từng câu chữ chúng ta đọc lên, chúng ta tập những hạnh động biểu cảm, diễn xúc của câu chữ đó.
9. Sau khi đã tập dợt những hành động biểu cảm, diễn xúc của từng đoạn trong bài thơ, chúng ta tập đọc nhịp điệu bài thơ đi đôi với diễn xúc một cách đồng bộ. Nghĩa là chúng ta đọc trọn bài Thơ Tân Hình Thức Việt theo nhịp điệu câu chữ (verbal) của nó và đồng thời diễn những cảm xúc (non-verbal) của nó theo quy trình của bài thơ. Tập dợt nhiều lần đến khi chúng ta đọc và diễn ăn khớp một cách trơn tru.
10. Xong rồi, bạn đã sẵn sàng để Đọc-Diễn một bài Thơ Tân Hình Thức Việt! Bạn hãy đứng lên, đọc diễn cho mình, cho người khác, cho nhiều người khác bài Thơ Tân Hình Thức Việt!
Đọc-Diễn Thơ Tân Hình Thức Việt, ở một góc độ nhất định, là một sinh hoạt văn hóa, giải trí lành mạnh, rất phù hợp diễn ra trong những buổi họp nhóm, sinh hoạt trong gia đình, sinh hoạt ở trường học, đại học hay câu lạc bộ, vân vân. Nếu thể được, cần nên có những sân khấu cho những buổi Đọc-Diễn Thơ Tân Hình Thức Việt, được tổ chức trong tinh thần giao lưu. Đọc-Diễn Thơ Tân Hình Thức Việt, chúng ta không cần thiết phải hóa trang với những bộ trang phục và trang điểm ấn tượng để gây chú ý. Cốt lõi là nội dung, tư tưởng của bài thơ được truyền đạt qua nhịp điệu đọc cùng những hành động diễn cảm trực tiếp để bổ sung cho câu chữ, để người nghe tiếp nhận trọn vẹn nhất. Chúng ta không màu mè gượp ép!
Chúng ta đến tham-gia (participate) buổi Đọc-Diễn Thơ Tân Hình Thức Việt, chúng ta là một phần của buổi đó, chúng ta cứ là như chúng ta, chúng ta ăn mặc, đi đứng như hàng ngày chúng ta vẫn vậy. Một người quen mặc veston, thì mặc veston, người quen mặc quần jeans, thì mặc quần jeans. Chúng ta là những người viết, người đọc và người nghe cùng một lúc.
Một bài Thơ Tân Hình Thức Việt, từ viết, đến đọc-diễn và nghe-thấy là một cuộc Trải-Cảm:
- Người viết, khi viết trải cảm giác ra trên câu chữ, thành nội dung của một câu truyện/chuyện kể để truyền đạt tư tưởng;
- Người đọc-diễn, qua quá trình đọc-diễn, trải nghiệm những cảm giác được người viết trải ra, tiếp nhận chúng. Rồi khi đọc-diễn lại truyền tải, truyền đạt nội dung, tư tưởng đến người nghe-thấy;
- Người nghe-thấy trải lòng ra với những điều mà người đọc-diễn muốn truyền dạt để cảm nhận những cảm giác. Và theo sự tiếp nhận của mình, người nghe-thấy có thể phản ánh lại, truyền đạt lại những điều tiếp nhận được đến người viết để rút tỉa;
- Người viết, có thể lúc đầu viết theo góc độ người viết, nên có thể điều muốn truyền đạt được tiếp nhận từ quan điểm của người đọc-diễn đến người nghe-thấy, khác đi. Khi tiếp nhận phản ánh từ người đọc-diễn và người nghe-thấy, người viết có thể khám phá những điều khi mình viết chưa nhìn ra để thấy rằng một bài thơ rất đa chiều.
Với một nền kỹ thuật truyền thông tuyệt vời của thời nay, thì vấn đề liên lạc giữa người viết, người đọc-diễn và người nghe-thấy với nhau, ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình truyền đạt và tiếp nhận, đã chẳng còn là vấn đề gì cả! Tìm gặp nhau để liên lạc trao đổi, chỉ là chuyện của một vài cái kích (nút) chuột hoặc vài ba cái vuốt màn hình.
Một bài thơ, khi từ trong tư tưởng của người viết được hình thành câu chữ trên trang giấy, nó đã chết. Khi từ nơi bài viết đi vào trong tâm trí người đọc (trong im lặng), bài thơ lại chết thêm lần nữa. Rồi xuyên qua quá trình Đọc-Diễn, bài thơ cũng lại chết thêm một lần kế. Vừa đến lúc người nghe-thấy tiếp nhận nó, bài thơ lại chết đi thêm một lần. Chỉ đến khi điều phản ánh được tiếp nhận bởi người viết, do người đọc-diễn hoặc/và người nghe-thấy truyền đạt, bài thơ được tái sinh, hay nói chính xác hơn là được đầu thai. Một trong những mặt cảm thức của Thơ Tân Hình Thức Việt là sự nối kết được lồng trong yếu tố tính truyện/chuyện của thể thơ này. Sự nối kết này được thể hiện rõ nét qua cuộc Trải-Cảm, từ lúc bài thơ sinh ra, chết đi nhiều lần và tái sinh. “Biết” thơ và “Yêu” thơ không còn được biểu thị qua việc thuộc làu thơ nữa. Việc đọc vanh vách thơ không cần nữa, việc đọc-diễn thơ ngoạn mục cũng không cần nữa, vì bài thơ đã chết đi và đã đầu thai rồi. Chỉ còn tư tưởng đọng lại! Duy nhất!