Tại sao thơ Tân hình thức khó làm – Khế iêm

TẠI SAO THƠ TÂN HÌNH THỨC KHÓ LÀM?

_____________________________________

Khế Iêm

Đã đến lúc chúng ta phải trả lời những câu hỏi cốt lõi về thơ Tân hình thức Việt, nếu muốn dòng thơ này mạnh mẽ, và lôi kéo được nhiều người tham gia. Tại sao có người sáng tác hàng trăm bài thơ, nhưng chất lượng không đủ để được coi là thơ Tân hình thức?  Tại sao đa phần những người tham gia chỉ gắn bó với thơ Tân hình thức một thời gian ngắn rồi thôi? Tại sao có người rất muốn tham gia sáng tác thơ Tân hình thức, nhưng cảm thấy lúng túng, vì khi thực hành thì bài thơ nào cũng biến thành một đọan văn xuôi đếm chữ, trong khuôn các thể thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát?

Vậy thì, phải làm thế nào để sáng tác được những bài thơ Tân hình thức thật sự? Làm thế nào để tạo khả năng cho những nhà thơ Tân hình thức đủ tự tin và hứng khởi, và khi đã đến với thơ Tân hình thức rồi thì không bao giờ từ bỏ?

Thơ Tân hình thức mới mẻ, dĩ nhiên, dễ hiểu nhờ tính truyện, hấp dẫn vì có nhịp điệu, và ý tưởng sâu sắc. Nhưng những tiêu chuẩn trên có bao nhiêu bài thơ đạt tới? Tại sao ý tưởng bài thơ cứ lan man, không đầu không cuối, còn kỹ thuật lập lại tại sao không tạo ra được nhịp điệu thơ?

Tất cả những câu hỏi trên, chỉ cần duy nhất một câu trả lời: chúng ta đã không sáng tác đúng cung cách một bài thơ Tân hình thức. Vì một sản phẩm khi tạo ra không đúng qui trình, sản phẩm đó không bao giờ đạt tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất. Thế thì đâu là cung cách sáng tác thơ Tân hình thức Việt?

“Khi sáng tác thơ vần điệu, người ta ngâm nga, mục đích làm những âm thanh bằng trắc và vần, nhịp nhàng với nhau, để tạo nhạc tính. Thơ tự do viết và sửa đi sửa lại trên trang giấy (đa số những nhà thơ tự do nổi tiếng, đều sửa lại thơ họ). Còn thơ Tân hình thức, người làm thơ đọc thầm trong đầu để phối hợp những âm thanh bằng trắc và những chữ lập lại trong bài thơ, tạo thành nhịp điệu?” Như vậy, muốn có nhạc tính hay nhịp điệu thơ, khi sáng tác phải ngâm hay đọc lên.

Nhưng thực tế, không thiếu những bài thơ chỉ là đoạn văn xuôi ghi xuống những suy nghĩ khơi khơi, hoặc với một vài ý tưởng đơn sơ, lập lại câu chữ một cách máy móc, rồi đếm chữ xuống dòng. Cách sáng tác này đang hình thành một lối mòn, được mô phỏng từ bài thơ này tới bài thơ khác, từ tác giả này tới tác giả khác. Kết quả là, ý tưởng đi một đàng, nhịp điệu đi một nẻo, không ăn khớp với nhau.

Sở dĩ như vậy vì đa số chúng ta quen làm thơ tự do, viết xuống giấy những suy nghĩ, ngắt câu thành những dòng dài, ngắn. Thơ tự do không quan tâm tới nhịp điệu, vì không có kỹ thuật tạo nhạc tính hay nhịp điệu như thơ vần điệu hay thơ Tân hình thức. Và khi thử nghiệm thơ Tân hình thức, chúng ta lại sáng tác theo cách làm của thơ tự do. Kết quả, thơ chỉ mang cái hình thức nhưng không đạt được cái hồn thơ Tân hình thức.

Để thoát ra tình trạng này, tuyệt đối không viết một đọan văn xuôi xuống giấy, mà chỉ ghi lại khi bài thơ đã xong (để hiệu đính và tiếp tục hoàn chỉnh), hoặc ghi xuống từng câu để khỏi quên, trước khi tiếp tục những câu thơ khác. Vì tiến trình làm thơ Tân hình thức là đọc thầm trong đầu, chứ không phải bằng cây viết và tờ  giấy. Có như thế, chúng ta mới nối kết những câu thơ với nhau bằng hơi thơvà nhịp điệu mới gắn bó tự nhiên với ý tưởng. Khi sáng tác luôn luôn phải cảnh giác, tránh bài thơ khi đọc lên, nghe như văn xuôi. Điều này, người đọc không cần tinh ý, cũng rất dễ nhận ra.

Trước kia, từng có người phê bình: thơ Tân hình thức hỏng là do chính những nhà thơ Tân hình thức, chứ không phải ai khác. Có thể tạm giải thích:

Cách làm thơ là để phát huy tài năng của nhà thơ, và chúng ta phải tuân thủ, nếu muốn có thơ hay. Như vậy, chất lượng bài thơ tùy theo cách làm thơ. Làm thơ theo cách lặng lẽ viết xuống giấy, bài thơ sẽ nhạt nhẽo, như văn xuôi. Còn nếu làm thơ đọc thầm trong đầu, theo đúng cung cách thơ Tân hình thức, sẽ cho chúng ta những bài thơ Tân hình thức thật sự. Điều này giải mã, tại sao thơ Tân hình thức Việt lại ít người tham gia, có lẽ, vì họ không nắm được cách làm thơ.

Khi sáng tác bằng cách đọc thầm trong đầu, chúng ta luôn luôn bị ám ảnh về bài thơ, những tình tiết, ý tưởng sẽ từ từ được loại bỏ, thêm bớt, làm bật lên những ý chính và ý phụ, bài thơ sẽ không bị rơi vào tình trạng lan man, người đọc không biết bài thơ muốn nói gì. Nhịp điệu nối những câu thơ và toàn bài thơ sẽ được cân nhắc, thay đổi sao cho đạt hiệu quả, lôi cuốn người đọc. Dĩ nhiên, người làm thơ sẽ phải trải qua tình trạng chìm đắm trong bài thơ, bài thơ và tâm hồn nhà thơ là một, và những điều mới mẻ chỉ có thể phát hiện trong lúc này. Khi vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, quen với cách làm thơ mới, và có được những bài thơ Tân hình thức hay, sẽ khơi gợi niềm đam mê nơi những nhà thơ.

*

Thơ Tân hình thức Việt chủ trương mang đời sống vào thơ, nhưng thật ra, chúng ta đang tách lìa đời sống. Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung là thảm họa môi trường tác động mạnh mẽ đến mọi người, và ảnh hưởng đến hàng triệu triệu người dân nghèo, nhắc chúng ta phải định hướng lại cách sáng tác.

Có biết bao nhiêu tin tức, phóng sự và hình ảnh, trong báo chí chính thức đưa tin, internet đang là kho trữ liệu vô giá giúp chúng ta tìm kiếm những câu truyện có thực để sáng tác, ghi dấu và thể hiện thời đại chúng ta đang sống. Chúng ta trộn lẫn tính hư cấu của tiểu thuyết, tính chân thực của tình tiết trong câu truyện, hiện thực huyền ảo gì cũng được, miễn là thành thơ. Từ đó chúng ta sẽ kinh nghiệm được làn ranh giữa thơ và văn xuôi, nắm bắt được sự khác biệt giữa những tình tiết và cách diễn đạt của tiểu thuyết và thơ.

Chúng ta hãy áp dụng kỹ thuật xâu chuỗi: mỗi bài thơ là một đoạn tình tiết trong câu truyện, được liên kết với nhau thành chuỗi những bài thơ. Âm nhạc, chúng ta cũng đã từng có những trường ca như, “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương …

Nhưng trong tình trạng mới mẻ của loại thơ này, chưa ai có kinh nghiệm, chúng ta thử nghiệm cách làm như sau: mỗi tác giả tìm kiếm cốt truyện và tình tiết trên internet. Sau đó sáng tác, và gửi tới một bạn thơ nào đó nhờ góp ý, và cùng nhau biên tập cho tới khi hoàn chỉnh để bảo đảm chất lượng bài thơ. Đây cũng là bước khởi đầu “hướng tới một nhóm sáng tác”.