Apsara Kiều Maily: Bàn tay nâng chữ vào thơ –PHẠM QUYÊN CHI
Tri thức ngôn ngữ thơ Kiều Maily gợi lên dấu ấn văn hóa Chăm. Tiếng thơ ấy, là một hệ thống tín hiệu biểu cảm tuân theo quy luật tự nhiên khách quan, không gian thời gian dẫn dắt xác lập một quan hệ liên tưởng tạo ra dãy liên tưởng, liên hệ đồng loạt các yếu tố ẩn sau yếu tố hiện diện, giữa bên trong và ngoài con chữ. Tạo nên mạch tính không thay đổi trong lựa chọn của chị:
“Những căn nhà chật chội chồng chéo nhau
Đời chật chội với những dấu chân chật chội
Đan xen lên những con đường chật chội”
(Phác họa chân dung chiều phố hội)
Những âm vị, hình vị trong ngôn ngữ đơn lập có tính độc lập rất cao, đứng biệt lập và không thay đổi hình thái, từ “chật chội” bổ nghĩa biểu hiện tượng hình bức chân dung chiều phố hội mà khi dịch chuyển xuống đoạn kế tiếp như dội ngược cảm xúc:
“Lòng phố nghẹt thở thứ cấp, trung cấp lên khẩn cấp
Lớp sơn hiện đại đổi màu tường theo từng mùa chật chội”
Tạo ra tính bao hàm ổn định, lớp ngôn từ còn mang ý nghĩa biểu vật kéo theo phần nghĩa liên quan trực tiếp đến phạm vi sự vật trong thế giới quan Kiều Maily đã chụp, chép lại và gợi tả trong 10 bài thơ THT thời sự, không phải ngẫu nhiên, suốt chiều dài thời gian, tự thân chị đã cảm nhận được dòng thơ thiết yếu, gắn bó với sự chuyển đổi ngôn ngữ tạo ra bài thơ tự nhiên, kết nối được nhịp cầu truyền thống và hiện đại. Tạo ra mạch cường điệu đẩy tưởng tượng đi vào lãng mạn và nhẹ nhàng, sâu lắng trong đời sống thường ngày.
” Tôi đã cố bơi thật xa nhưng
Không thể nữa rồi bạn bè tôi anh
Chị em tôi dù tôi đã cố bơi
Xa thật xa nhưng tôi đã bơi trở”
(Lời kể của con cá)
Kích thích vào giác quan, tri giác tác giả đã lí giải một vấn đề ngoài sự vật giữa mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện là quan hệ không lí do. Trong học thuyết Engel ngôn ngữ thơ luôn gắn với con người, và dòng thơ THT chị, “tôi” trở nên ám ảnh luôn cất tiếng nói, thông tin biểu đạt trong câu chuyện kể như cố “nói với nhau mọi điều về cuộc sống” phản ánh những thuộc tính bản chất cuộc sống. Ý nghĩa biểu niệm ấy, bộc lộ nét tinh thần văn hóa, hàng loạt con vật tâm linh xuất hiện: Cá, trâu, lũ bò và bầy cừu. Những con vật thuộc phạm trù tinh thần, ngữ hình nó tự thân nói lên chân lí trong một mặt. Kiều Maily đã gán lên lớp vỏ ngôn từ những mẩu nghĩa biểu thị trong 5 câu chuyện về người chăn cừu:
“Và người chăn cừu tháo tung cổng chuồng
Cho lũ cừu ùa ra cho lũ cừu chạy đi
Đi đâu không biết
Đi vào mảng đất không còn màu xanh
Đi xuống dòng sông vừa chết
Đi vào miền chết
Đi”
(Cơn giận của người chăn cừu)
Cách miêu tả sự việc diễn ra trong “cơn giận” – người chăn cừu đã thể hiện dòng tâm lí đặc biệt tác động đến lí trí và hành động bằng cách lập luận mô tả tinh thần con người khi người chăn cừu từng có một ước mơ. Những yếu tố kèm lời trong bài thơ ( ngữ điệu, trọng âm, đỉnh giọng) và phi lời (cử chỉ, hành động) đã tác động mô phỏng đến người đọc một thông điệp đời sống. Họ cần tự do. Và đạt đến tự do.
Kiều Maily, một Apsara nâng chữ vào thơ đến tận cùng của sự hấp dẫn với những thủ pháp nghệ thuật: Điệp ngữ, ẩn dụ, so sánh, liệt kê nhịp điệu luôn hài hòa ở dòng THT và tự do. Điều đạt được hiếm hoi trong thơ chị là đã sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện biểu thị đặc trưng tinh thần văn hóa dân tộc Chăm. Các loại vị tố hành động, trạng thái, hay quá trình, tính chất tham dự trong thơ chị đều dùng với lớp nghĩa mới mẻ tạo nên những giá trị ngữ nghĩa không nhỏ đến loại hình ngôn ngữ Chăm.
Theo de Maupassant từng đề xuất ” Cần phải đưa ra được một ảo tưởng trọn vẹn của hiện thực”, ở Kiều Maily một nghệ sĩ đã tạo ra niềm tin về độ xác thực cao trong câu chuyện thơ của mình. Từ đó, đã phản ánh được diễn biến quy luật phát triển đời sống này làm cho tác phẩm sống lại một cuộc đời. Đi trọn 40 bài thơ trong tập “Nàng, hoa của cát” tôi có cảm giác cuộc phiêu lưu chưa dừng lại, giới hạn chân lí trong nét đẹp từ bàn tay hoa của cát ấy đã nâng độc giả bước vào cuộc hành trình trở về với “Vương quốc Palei” đầy cát, đầy bí ẩn.