Như thế tôi đã đến với thơ Tân hình thức- Nguyễn Ngọc Triều

Cái mới của thơ Tân hình thức Việt thật lạ !

Cái mới không xuất phát từ hình thức mà từ đòi hỏi của nội dung. Điều đó khiến tôi tò mò, khám phá và trải nghiệm. Ban đầu tôi lay hoay với vắt dòng, hì hục với lặp lại, mơ hồ với tính truyện,  ngỡ ngàng với ngôn ngữ đời thường (nhất là từ bỏ tu từ ). Quả là khác, khác rất xa  so với cách làm thơ gieo vần. Cứ viết, cứ viết rồi tôi cũng nhận ra thêm: Cần phải bỏ thói quen biểu hiện cảm xúc trực tiếp; cần giấu cảm xúc của người viết đi, giấu kín sau câu chuyện và các chi tiết cấu thành câu chuyện.

Cứ viết, rồi dần dà tôi cũng nhận ra tính truyện khiến cho Tân hình thức xích lại gần đời sống , đời thực (dẫu vẫn có sự tham gia của yếu tố ảo giác ). Tân hình thức không trở thành đánh đố người đọc như một số xu hướng làm mới thơ ca trong vài thập kỉ qua. Câu chuyện mà mỗi bài Tân hình thức mang  đến dễ nhớ và dễ bám sâu vào trí nhớ của người đọc.Tôi nghĩ, sức hấp dẫn của thơ Tân hình thức một phần lớn là đây, trong khi đó cái hay của thơ vần điệu thường ở từ, ở hình ảnh, ở nhịp điệu… đọng lại trong một cặp câu hoặc một khổ thơ. Tính truyện cũng là yếu tố góp một phần lớn làm nên khả năng hội nhập dễ dàng của Tân hình thức. Thơ vần điệu ít có khả năng này.

Gần đây các nhà thơ lớn của thơ Tân hình thức cho rằng  một bài Tân hình thức có giá trị phải có ý tưởng mới lạ và nhạc tính. Con đường tắt… đã được chỉ ra. Rõ ràng, có thước đo khoa học hẳn hoi (ở một chừng mực nào đó) , không mơ màng  như xác định cái hay của một bài thơ  theo lối gieo vần. Ý tưởng mới lạ phải nhờ vào tài năng . Khó rồi…Ý tưởng mới lạ đến từ tính truyệnhay còn từ đâu nữa ? Thật không dễ trả lời. Nhà thơ  Inrasara dư thừa sức viết là vậy, thế mà, sau 18 bài tân hình thức, đành tạm chia tay với dòng thơ này, vì “ không đủ  ý tưởng mới ”.  Có nhạc tính, mà tính nhạc ở mỗi bài cần có nét riêng… Càng khó, càng khó để trở thành “ dân ca của thời hiện đại ” nói như nhà thơ Mai Văn Phấn.

Cái khó của thơ Tân hình thức còn ở phía người đọc. Độc giả chưa quen với cách đọc một mạch từ đầu đến chữ cuối cùng, rồi mới đọc lại và tự  ngắt theo ý của người đọc, từ đó sẽ  nhận ra đoạn giàu nhạc tính nhất trong bài. Từ lối ngưng nghỉ theo từng dòng thơ của thơ gieo vần đến cách đọc liền mạch vắt dòng liên tục của thơ Tân hình thức là sự chuyển đổi không phải một sớm một chiều.

Thôi thì cứ viết và chờ, bài thơ hay vẫn đang ở phía trước kia mà!

Có một điều rất cần chia sẻ, không hiểu sao từ khi đến với thơ THT,vài năm nay, tôi gần như không còn cảm hứng viết thơ gieo vần. Có lẽ nó là 2 hệ hình tư duy thơ khá xa nhau chăng …

tháng 11/ 2020