Ngô Minh Hiền
Sự ra đời và tồn tại của phong trào thơ tân hình thức Mỹ những năm 80, 90 của thế kỷ XX cho thấy, một khi cái vốn được coi là trung tâm, vốn trong tình thế luôn là thống trị có nguy cơ mất dần vị thế thì quay về với hình thức cũ chính là một “liệu pháp” hữu hiệu để thơ khẳng định lại vị thế đang bị lung lay của mình.
Thơ tân hình thức Việt Nam- viết là một cách hiện hữu
Khi thế giới càng lúc càng trở nên hỗn độn và bị phân rã từ trong tồn tại của bản thể thì sự bất tín trong nhận thức đã trở thành tiền đề cho khát vọng về chân lý, về quan hệ bình đẳng và tin cậy giữa người sáng tạo và bạn đọc. Sáng tác của nghệ sĩ, do đó, đầy ắp sự hoài nghi và khát vọng “nhận thức lại, đánh giá lại mọi thứ” (M Bakhtin). Người ta không thể nhìn thế giới như một cố định, hoàn hảo và không thể đổi thay. Vì thế, thay vì chú tâm biến hiện thực thành những ngẫu tượng, các nhà thơ quan tâm đến thế giới tâm lý, văn hóa, chiều sâu ý nghĩa của tâm linh con người. Họ khước từ các khuôn mẫu, ni tấc của các chủ nghĩa văn chương, mong muốn phục dựng lại các hình thức thơ ca quá khứ trong sự mở rộng những giới hạn mới mẻ cho những hình thức vốn đã xưa cũ bằng chính sự phá hủy các trật tự truyền thống, sáng tạo những trật tự mới trong ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cái truyền thống đich thực (the truly traditional) với cái nguyên sơ độc sáng đich thực (the truly original).
Cũng như nhiều phong trào đổi mới về nghệ thuật trên thế giới khi văn học trung tâm và ngoại biên đang có sự vận động, phương châm của phong trào thơ tân hình thức (New formalism poetry) là trở về với các hình thức, kỹ thuật nghệ thuật truyền thống. Khi quan tâm quá khứ và hướng tới tương lai, các nhà thơ tân hình thức đã thể hiện khát vọng, sức mạnh của những người muốn tạo cái mới, muốn quay về để khám phá cái mới từ những điều tưởng chừng đã cũ, chứng tỏ khả năng sáng tạo ngay trên nền của cái cũ. Và cũng chính vì chú trọng đến những hình thức đã ổn định của thơ ca truyền thống, hướng đến xây dựng những giá trị nhân văn mang tính phổ quát cho các cộng đồng khác nhau về văn hóa và ngôn ngữ, các nhà thơ thơ tân hình thức đã tạo ra được một thể thơ khác hẳn về hệ hình với thơ tự do và các thứ thơ “không cổ điển” khác.
Trong trạng thái lưu vong, các nhà văn Việt Nam ý thức rất rõ sự tồn tại của văn học Việt Nam trong xã hội phương Tây hiện đại là sự tồn tại của một bộ phận văn học ngoại vi, thiểu số, và gần như xa lạ với độc giả bản địa. Hơn ai hết, họ hiểu hoàn cảnh cụ thể “không thực sự hiện hữu nữa” của mình “ở một xứ sở không ai đọc và không ai cần đọc những điều mình viết” (Hoàng Ngọc Tuấn). Vì thế, nỗ lực sáng tạo với ý thức sâu sắc về nguồn gốc và giá trị của con người mình cùng với mong muốn tìm cách dung hòa hai nền văn hóa đang tồn tại trong bản sắc mỗi cá nhân là phương châm sáng tác của các nhà văn Việt Nam hải ngoại. Với họ, “viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực” (Nguyễn Hưng Quốc) và việc kiếm tìm một lối đường mới cho quá trình khám phá và thể hiện thơ ca là nguyên tắc sống còn đối với người sáng tác trong một thế giới khác biệt về nguồn cội.
Trong tọa độ “hoài niệm” và “hội nhập”, các nhà thơ tân hình thức Việt Nam hải ngoại đã nhanh chóng tìm thấy ở thơ tân hình thức Mỹ một sự “đồng điệu” và nhanh chóng lựa chọn nó như một cơ hội để có thể hiện hữu một cách ý nghĩa. Bằng cách triệt để sử dụng sự kết hợp đặc biệt giữa các hình thức thơ ca truyền thống với các nội dung mới dưới sự hỗ trợ của các kỹ thuật hiện đại, các nhà thơ tân hình thức Việt Nam hải ngoại đã không chỉ níu bám vào một điểm tự tinh thần vững chắc, gần gũi, kết thắt được với nguồn cội, tạo sức mạnh tinh thần để đươc sống và hy vọng về một cơ hội hòa nhập mà còn thể hiện được thái độ phản ứng của mình đối với sự bế tắc của thơ ca. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng, trong ý thức sáng tạo ở hoàn cảnh đặc biệt của các nhà thơ tân hình thức Việt Nam hải ngoại còn có thể tồn tại mong muốn được làm khác với thơ ca trong nước, thứ thơ vốn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với cái mới.
Với ý thức sâu sắc rằng thơ phải được sống, phải thoát khỏi thế bị động, bị cô lập và mong muốn tìm kiếm một phương cách hữu hiệu có khả năng chống lại nguy cơ chết mòn trong sự cô đơn của chính mình giữa thế giới của sự sống đang hiện tồn, các nhà thơ tân hình thức Việt Nam đã nỗ lực tạo ra trong thơ ca của mình những nội hàm thơ mới mẻ và nhiều ý nghĩa.
Có thể nói, việc tìm cách tiến vào trung tâm, tiếp cận với người đọc bản địa là một khát vọng chính đáng và vô cùng hợp lý của thơ tân hình thức Việt Nam nói riêng, văn học Việt Nam ở hải ngoại nói chung. Chính vì thế, tích cực sử dụng các hình thức thơ ca truyền thống, để chúng mang chuyển các nội dung mới chính là phương cách để các nhà thơ tân hình thức Việt Nam hải ngoại tiến vào trung tâm, hòa nhập với trung tâm và thoát khỏi tư thế thiểu số, bị cô lập.
Song, nếu hòa nhập vào văn chương dòng chính là một khát vọng thì nó cũng đồng thời là một thách thức không nhỏ đối với các nhà văn di dân khi mà trong tâm thức họ luôn hiện tồn song song hai nền văn hóa khác nhau và hoài niệm quá khứ đã trở thành một tâm thế thường trực, chi phối cuộc sống tinh thần họ. Vì thế, việc quay trở về cái cũ (các hình thức thơ ca truyền thống) là cách để các nhà thơ tân hình thức Việt Nam ở hải ngoại được cảm thấy gần gũi với nguồn cội văn hóa, được chứng tỏ sự hiện hữu của bản thân trong tâm thế của con người Việt. Đồng thời, việc tiếp cận với cái mới, ngay lúc nó vừa ra đời, vừa thể hiện sự thức thời của người sáng tạo về yêu cầu hội nhập văn hóa, vừa là cách để họ có thể hội nhập với xã hội đương đại, ngay tại nơi mình đang cư ngụ, ngay với những điều tiên tiến nhất để không thấy mình là kẻ xa lạ, kẻ bên lề, thiểu số trong xã hội bản địa.
Thơ tân hình thức Việt Nam… về đâu?
Những năm gần đây, xu thế hội nhập của văn chương thế giới đã có những tác động không nhỏ đối với văn học Việt Nam. Hiện tượng hợp lưu giữa văn học Việt Nam ở trong nước và hải ngoại đã mang đến cho văn chương Việt những sắc độ nghệ thuật mới, mang tính khởi biến. Từ các tập thơ in photo của Nhà xuất bản Giấy Vụn Bảy biến tấu con nhện, Khoan cắt bê tông (Lý Đợi), Xin lỗi hổng chịu nổi (Bùi Chát) đến Thơ Kể (do Khế Iêm biên soạn gồm tác phẩm của 26 nhà thơ trong và ngoài nước) của Nhà xuất bản Lao động), Thơ Khác (Khế Iêm) của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin…, thơ tân hình thức Việt Nam đã có những bước đi mới, khá ấn tượng, mang tính qui luật phù hợp với sự vận động và phát triển của thơ ca. Các nhà thơ tân hình thức đã cất lên những tiếng nói, tuy chưa phải là nhất quán và nghệ thuật nhưng khá quyết liệt, về cái mong muốn được thể hiện khả năng kiếm tìm, khám phá mới, được thể hiện một lối tư duy nghệ thuật khác chống lại lối tư duy nghệ thuật đã cũ nhàm, khuôn mẫu, thiếu sự sáng tạo mới mẻ.
Nếu ở hải ngoại, thơ tân hình thức Việt Nam là kết quả tất yếu của một quá trình tìm kiếm con đường sáng tạo bằng tâm thức hoài niệm và khát khao hội nhập thì sự tồn tại của thơ tân hình thức trong nước có thể được coi như một biểu hiện của tinh thần phản kháng, ý thức chống lại sự mòn nhàm của những lối tư duy thơ đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua. Nó cũng thể hiện khát vọng muốn theo kịp với thơ ca thế giới chứ không chỉ “học tập”, đi sau như lâu nay. Có thể nhận thấy điều này được thể hiện rất rõ trong thơ Lý Đợi, Bùi Chát, Inrasara, Đỗ Kh, Bỉm, Trần Phương Kỳ… Bản chất cách mạng của thơ tân hình thức không chỉ thể hiện ở cách nó nỗ lực kiến tạo cái mới bằng việc xóa bỏ cái cũ mà còn là sự khám phá trở lại những hình thức cũ. Tạo ra những nội dung mới trong các hình thức cũ, thơ tân hình thức Việt Nam không chỉ chủ trương quay về với lối thơ chủ về nghĩa mà còn hướng đến thể hiện chiều sâu thế giới tinh thần con người thông qua những câu chuyện cuộc đời trong nhiều mối quan hệ phức tạp của nó dưới sự trợ giúp của các hình thức, thủ pháp nghệ thuật hiện đại như hiệu ứng cánh bướm”, “kỹ thuật ô chữ’… . Có thể nhận thấy, trong thơ của các nhà thơ tân hình thức Việt Nam như Khế Yêm, Biển Bắc, Bỉm, Đỗ Quyên, Trần Tiến Dũng, Đỗ Kh., Lý Đợi… đầy ắp nỗi ám ảnh mong manh, vô hướng, nỗi hoài nghi về tồn tại bản thể của những tâm hồn cô đơn và lạc loài. Nó chứa đựng trăn trở khôn nguôi về sự hiện tồn mong manh của cá thể giữa cuộc đời cùng nỗi đau khi không thể thấu cảm hết lẽ đời, nhân sinh. Nó cũng là khát vọng tìm về bản thể, quá khứ và nguồn cội…
Với ngôn ngữ dân dã, đời thường, hạn chế tối đa việc sử dụng tu từ, thơ tân hình thức hướng tới mục tiêu gần gụi với cuộc sống đời thường, trở thành một thứ “thơ đời sống”, bất cần “sang trọng”, “cao cả”, bóng bẩy, mượt mà hay đại loại các tính chất tương tự vốn được chú trọng trong thơ vần điệu và thơ tự do. Kỹ thuật vắt dòng không chỉ khiến câu thơ thoát khỏi sự ràng buộc của cú pháp “chuẩn mực” để thực sự tự do mà hơn thế, nó còn kiên quyết phá bỏ những liên tưởng quen thuộc. Người sáng tác, vì thế, có thể hoàn toàn chủ động dịch chuyển thậm chí thay đổi những khuôn mẫu, khái niệm đã được cố định, không còn “tương thích” với đời sống mới của thơ ca. Và như vậy, thơ tân hình thức đã mở rộng biên độ của nghệ thuật, hướng tới một thế giới nghệ thuật rộng mở, phổ biến chứ không bó hẹp trong phạm vi một lớp người.
Trong hoàn cảnh thế giới đang hòa nhập cả về vật chất lẫn văn hóa tinh thần và tâm linh của con người để trở thành một phức thể, văn chương nghệ thuật phải là tiếng nói của tư tưởng cá nhân về cộng đồng, nhân loại, khi sử dụng các hình thức cũ để diễn đạt nội dung mới, bằng các nguyên tắc riêng, các nhà thơ tân hình thức Việt Nam đã không chỉ phát huy được khả năng sáng tạo của người làm thơ mà còn gia tăng khả năng hội nhập với văn hóa, văn học thế giới cho thơ mình. Đưa những nội dung mới vào những hình thức cũ và sử dụng mới các hình thức cũ ấy thực chất cũng là cách sáng tạo hình thức mới, góp phần làm phát triển thơ ca. Đây chính là tinh thần của thơ tân hình thức Việt Nam.
Nghệ thuật vốn/cần đươc tạo ra từ những xung động đặc biệt ở những thời khắc vụt hiện mơ hồ của cảm xúc. Những cảm xúc xuất hiện trong những khoảnh khắc (nhiều khi chỉ là thoáng chốc, rất mơ hồ, khó nắm bắt) đôi khi lại có khả năng tạo ra những xung động đặc biệt cho người sáng tạo. Vì thế, việc nắm bắt và xử lý các xung động bất ngờ, vụt hiện từ cảm xúc đó phải được nghệ thuật hóa trên nguyên tắc của sáng tạo mới có thể giúp tạo sinh các ý tưởng. Và điều quan trọng là chủ thể sáng tạo cần phải có khả năng “hiển thị” những xung động ấy làm cho nó trở thành cái có thể cụ thể.
Sáng tác thơ tân hình thức là cách các nhà thơ Việt Nam (cả ở hải ngoại và trong nước) chứng minh được khả năng sáng tạo của mình, để sáng tác của mình có thể vươn ra được thế giới. Vì thế, thơ tân hình thức Việt Nam cần phải là những kết quả có thật, cụ thể của một sự thay đổi hệ hình mới trong văn chương nghệ thuật. Vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở cụm từ new form theo nghĩa đen của nó mà quan trọng hơn hết là bên cạnh các yếu tố thời gian, khí hậu nghệ thuật, thơ tân hình thức Việt Nam còn cần đến những tài năng thực sự. Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hóa và sự chuyển mình của hiện tượng hòa nhập đa văn hóa, việc để thơ không bị cuốn theo cơn cuộn xoáy của cơ chế thị trường là một ý thức vô cùng quan trọng của nhà thơ. Họ, những chủ thể sáng tạo, hơn bao giờ hết, cần phải có một tầm tri thức, văn hóa và cả khả thể hiện mình bằng bản lĩnh nghệ thuật.
Nhìn một cách bao quát, có thể nhận thấy, thơ tân hình thức Việt Nam là biểu hiện của sự nỗ lực tìm kiếm một con đường nghệ thuật mới của người sáng tạo. Các nhà thơ tân hình thức Việt Nam hải ngoại không chủ định bê nguyên xi cách tạo lập thơ của trường phái này ở Mỹ, ngay nơi họ sống và sáng tác, ngay thời điểm họ sáng tác vào thơ mình mà nỗ lực tạo nên những sắc màu riêng cho các sáng tạo của mình bằng cách kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật như tìm kiếm, kiến tạo nhịp điệu mới cho thơ, chiết lọc ý tưởng từ cuộc sống, sáng tạo ngôn ngữ thơ đời thường… để thơ có thể ‘tự tin” hội nhập với thơ ca nhân loại. Họ (cùng với cả các nhà thơ tân hình thức trng nước) đã phát huy thế mạnh của thơ tân hình thức bằng viêc kết hợp sử dụng các thể thơ Việt Nam truyền thống để chuyển tải các nội dung mới với các hình thức của thơ bản địa để diễn đạt tâm hồn Việt. Không thể phủ nhận rằng việc dịch thơ tân hình thức Việt Nam sang tiếng Anh, Pháp (Biển Bắc, Đỗ Vinh, Phan Khế, Trần Vũ Liên Tâm..) hoặc sáng tác đồng thời cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài (Khế Iêm, Biển Bắc, Phan Nhiên Hạo…) bước đầu đã khiến thơ tân hình thức Việt Nam có được những đóng góp đáng trân trọng.
Tuy vậy, không phải không thừa nhận rằng thơ tân hình thức được đón nhận ở Việt Nam khá dè dặt. Điều này có thể lý giải được bởi thơ tân hình thức kén người đọc. Có thể nhận thấy, nếu tính truyện tạo ra cho thơ tân hình thức sự nhất quán về ý tưởng thì sự kết hợp giữa kỹ thuật lặp lại (iteration) và vắt dòng lại hàm chứa nhiều yếu tố trái nghịch khiến thơ rất dễ trở nên rối rắm, khó hiểu. Bên cạnh đó, không hề đơn giản để có thể bóc tách các tầng nghĩa của thơ dựa trên sự đa nghĩa của ngôn từ, khi mà hiện tượng đồng âm dị nghĩa, cận nghĩa trong ngôn ngữ tiếng Việt vốn không phải là cá biệt và cũng không hề dễ hiểu. Vì thế, sẽ lại càng khó khăn khi mong muốn chuyển dịch thơ tiếng Việt ra ngôn ngữ khác (tiếng Anh, tiếng Pháp…). Ngoài ra, do đặc tính kể của thơ tân hình thức khiến việc tạo lập ý tưởng đối với nó là một yêu cầu quan trọng nên một khi không có ý tưởng, thơ rất dễ rơi vào dễ dãi, đa ngôn mà rỗng tuếch, tầm thường.
Thơ tân hình thức không đươn giản là cuộc chơi kỹ xảo mà hơn hết, nó là một ý thức sáng tạo trong quan niệm về một hệ hình thơ ca mới. Cái mới vốn tiềm ẩn ngay trong cái đã tồn tại và chỉ đợi người sáng tạo khơi mở, thức gọi nó. Chính vì thế, cái mới nhiều khi lại bắt đầu từ ngay cái cũ, quen thuộc và chứa đựng rất nhiều những mới mẻ, không dễ nhận diện. Dĩ nhiên, không phải bao giờ cái mới cũng hiện ra từ việc phá bỏ cái cũ mà nhiều khi được hiểu là sự nhận thức lại/ thêm/khác về cái cũ. Và nếu coi cái/trường phái mới “thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề” (ý Nguyên Ngọc) thì để được chấp nhận, thơ tân hình thức không chỉ cần đến những yếu tố thuộc về chủ thể sáng tạo mà còn cả ở phương diện tiếp nhận. Nghĩa là, thơ tân hình thức Việt Nam chỉ có lý do để tồn tại khi nó đáp ứng được tâm tư tình cảm của con người bằng khả năng chuyên chở hiệu quả các nội dung thời đại, kết nối thế giới, kết nối con người. Và bản thân người tiếp nhận phải có được sự tự do tuyệt đối trong tinh thần, không quá xa lạ với việc tiếp nhận cái mới và có đủ năng lực tư duy, cảm xúc nghệ thuật.
Không quá bi quan về sự tồn tại và phát triển của thơ tân hình thức Việt Nam nhưng cũng không thể hão huyền về một “làn sóng thơ ca mới”, người viết cho rằng, chỉ khi thơ tân hình thức Việt Nam có được sự ủng hộ của đông đảo người sáng tác cũng như người đọc, và chỉ khi bản thân nó chứa đựng những cách tân về nội dung và nghệ thuật để không hiện diện như sự mô phỏng, một mô hình đã cũ, thuần bắt chước thơ tân hình thức thế giới, không bị định vị bởi định kiến và những định hướng tư tưởng ích kỷ, lỗi thời.. thể thơ mang tính chất của một hệ hình nghệ thuật mới này mới có cơ hội để tồn tại và phát triển. Còn một khi không mang chứa được những nội hàm mới, thơ tân hình thức chỉ trở thành một thứ èo uột, được kiếm tìm trên cơ sở của một trí tưởng tượng nghèo nàn và cả một sự ảo tưởng về thơ ca không được xây dựng trên một nền tảng có thực của sự vận động của nghệ thuật.
———————–