MÙA ĐẠI DỊCH VÀ TÂM TƯ SẦU MUỘN – Khế Iêm

MÙA ĐẠI DỊCH VÀ TÂM TƯ SẦU MUỘN 

Khế Iêm

Con người sinh ra đã khổ đau, sinh lão bệnh tử. Cái chết không phải khổ đau mà là chấm dứt khổ đau. Đó là chuyện tự nhiên của muôn loài. Riêng con người, với tâm trí siêu đẳng, tạo ra những nền văn minh, cũng tạo ra những cuộc chiến tranh khốc liệt, hủy hoại nền văn minh do họ tạo ra, và tàn sát những người vô tội. Nhưng ở thời cổ đại thì sao?

Câu chuyện thần kì (miraculous story) về một nhà sư tên Ngộ Đạt vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay. Ngộ Đạt là người rất thông minh, có tài văn chương. Thời vua Đường Tuyên Tông (810 – 859), ông được triệu vào kinh để thuyết pháp, và ban cho danh hiệu Đại đức Ngộ Đạt Pháp sư. Ngày nọ, nhà sư gặp một vị tì-khưu (Bhikkhu), là tôn giả Ca-nặc-ca-bạt-phạt-tha, hóa thân đến nhân gian để cứu độ chúng sinh, bị ghẻ lở, nằm thoi thóp bên đường, không ai dám lại gần. Nhưng nhà sư vì lòng thương cảm đã mang đồ ăn đến cúng dường. Không lâu sau, vị tì-khưu chia tay, và nói, “… Tôi là người ở Tứ Xuyên, như sau này ngài có bệnh hoạn gì, thì mời đến núi Cửu Lũng ở Bành châu thuộc Tây Thục mà tìm tôi, phía trước có hai cây tùng rất cao tán tròn xoe”.

Vài năm sau, Ngộ Đạt Quốc sư được hàng vua quan  kính trọng, sống đời hưởng lạc, tự cao tự đại. Đến một hôm, bất chợt trên đầu gối nổi lên cái mụn như mặt người, có mắt mũi miệng, khiến nhà sư vô cùng đau nhức, thầy thuốc giỏi khắp thiên hạ không ai chữa được. Rồi bất  chợt, nhà sư nhớ đến câu nói của vị tì-khưu, bèn tìm tới núi Cửu Lũng, gặp vị tì-khưu, “Ngài không phải lo buồn, ở đây có một ngọn núi, dưới núi có dòng suối, bất cứ ai mắc bệnh gì, chỉ cần dùng nước suối này rửa một lần, bệnh lập tức khỏi. Nay đã tối, ngài nghỉ ngơi, sáng mai tôi sẽ dẫn ngài ra suối rửa”.

Sáng sớm hôm sau, lúc sắp rửa thì cái mụn la lên: “Không cần rửa, ta có chuyện quan trọng muốn nói cho ngươi biết”, “Người đọc nhiều sách, nhưng đã đọc truyện Viên Áng giết Triệu Thố trong Tây Hán Thư chưa?”. Sư đáp: “Trước đó, có đọc”. (Viên Áng và Triệu Thố đều là quan thần triều Hán Cảnh đế, vốn đã bất hòa với nhau. Năm Hán Cảnh đế thứ 2, trước năm 155, Viên Áng dùng thủ đoạn giết Triệu Thố ở Đông thị.)

Cái mụn nói: “Ngươi vốn là Viên Áng, còn ta là Triệu Thố; ngày nọ ta vì một câu nói mà bị ngươi chém ngang lưng ở Đông thị. Việc này hoàn toàn oan uổng. Từ đó ta nghĩ đến việc báo thù, nhưng rất tiếc ta không có cơ hội, vì ngươi mười đời là cao tăng. Đến đời nay, ngươi được hưởng bổng lộc vua ban, khởi tâm tham lam, khiến đức của ngươi giảm, từ đó ta mới có cơ hội làm cho người bị bệnh. Bây giờ, ta mong rằng tôn giả Ca-nặc-ca-bạt-phạt-tha dùng nước pháp Tam muội rửa cho ngươi, khiến ngươi thoát khỏi, và cũng cứu giúp ta siêu thăng, từ nay về sau, ta và ngươi không còn oán thù nữa”.

Nhà sư nghe xong, lông tóc dựng đứng, múc nước rửa mụn, cảm thấy đau tận xương tủy, nằm mê man rất lâu sau mới tỉnh dậy. Lúc đó cái mụn tiêu mất, cũng không thấy dấu tích vị tì-khưu, nhà sư bèn quỳ xuống đảnh lễ tạ ơn. Nhà sư trở về kinh thành rồi soạn viết Tam Muội Thủy Sám gồm 3 quyển, để làm phương tiện cho tăng tín đồ sám hối nghiệp chướng.

Câu chuyện thời tiền sử Trung Hoa cho chúng ta biết, con người ai cũng có tội, không nặng thì nhẹ. Kinh nói:”Kẻ phàm phu mỗi khi động chân cất bước là đã có tội”. Thân, khẩu, ý. Đời người, tội lỗi không ngoài ba điều: phiền não, nghiệp chướng (Karma), quả báo. Vì phiền não mới sinh ác nghiệp, vì ác nghiệp phải chịu khổ đau. Phiền não đều do ý (thought) đụng chạm với nhau gây ra. Hàng tỷ người thì hàng tỷ ý khác nhau, không ý nào là đúng. Và khi ý nghiệp phát khởi, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp, theo đó phát động. Hoặc say đắm dục lạc, sanh ra “phiền não ham muốn”, hoặc giận dữ bực tức, sanh ra “phiền não hãm hại”, hoặc ngã mạn tự cao, sanh ra “phiền não ngạo nghễ”… Chúng sanh bị chìm đắm mãi trong bể khổ cũng do thói quen che giấu tội lỗi. Nếu biết tội, ăn năn sám hối thì không còn tội.

Nhưng con virus Covid-19 ở thời hiện tại cho chúng ta biết, với hàng triệu người bị lây nhiễm, và gần cả triệu người đã chết, tất cả đều vô tội. Nếu vô tội mà khổ đau thì con người thật đáng thương. Chúng ta sinh ra làm người đã là may mắn, vậy hạnh phúc hay khổ đau là cần thiết, giúp nhận biết mình là ai trong cuộc đời này. Con người đều có cái ngã, lớn hay nhỏ đều tùy thuộc vào hạnh phúc hay khổ đau. Khổ đau cho chúng ta cảm nhận rằng chúng ta có tội. Có tội phải ăn năn sám hối. Sám hối sẽ không gây ra đố kỵ ghen ghét. Không đố kỵ ghen ghét thì tâm tính bình an. Tâm tính bình an sẽ quan tâm tới khổ đau của người khác, phát hiện tấm lòng vị tha, giúp đỡ mọi người. Thấy không ai còn khổ đau, thì mình sẽ cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, theo nhà văn hào Pháp, Alexandre Dumas (1802-1870), “Chỉ có ai đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận được hạnh phúc tột cùng.” (Only a man who has felt ultimate despair is capable of feeling ultimate bliss.). Nếu đói, chúng ta ăn sẽ ngon, dù thức ăn có ngon hay dở. Trường hợp, chúng ta tự nhịn đói để chữa bệnh hay kích thích trí tuệ, đó là chuyện bình thường. Nhưng với những người đói vì hoàn cảnh bên ngoài như đói kém, mất mùa, khổ đau của họ là tột cùng. Và nếu có người cứu giúp, sẽ mang tới cho họ hạnh phúc tột cùng.

Hoặc, “khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy.” Như vậy, trong đời cần có khổ đau ư? Bán cầu não phải: diễn đạt cảm xúc, trực giác, vô thức, nảy sinh ý tưởng mới, tổng hợp, hiện tại và tương lai. Bán cầu não trái: thuộc lý trí, với ý thức, kiến thức, sự quen thuộc, sự kiện, giải thích, nhận biết, hiện tại và quá khứ. Trong cuộc sống bình thường, người thiên về bán cầu não trái cực đoan hơn, có khả năng ăn nói lưu loát, còn người thiên về bán cầu não phải, chịu đựng hơn, ít có tinh thần tranh đua. Đối với các nhà khoa học, họ thường kết hợp cả hai. Nhưng với những nhà văn nghệ sĩ đích thực, sáng tạo thường thiên về bán cầu não phải, và vướng vào cảm xúc nhiều hơn. Và đó chính là nguồn gốc dẫn đến khổ đau. Nếu không có khổ đau thì làm sao có cảm xúc để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật? Cái gì cũng phải có giá. Tiếng tăm càng nổi trội, càng bị đánh phá, càng chịu đựng khổ đau, thậm chí thù trong giặc ngoài.

 

Nói chung, con người sinh ra, ai cũng mong cầu hạnh phúc, sống một cuộc đời có ý nghĩa. Khổ đau, hay bất hạnh, ngược lại, làm cho cuộc đời vô nghĩa, và con người có xu hướng kích thích nhu cầu đi tìm ý nghĩa. Các nhà sử học ghi lại các cuộc chiến tranh vĩ đại, tội ác và thảm họa của lịch sử nhiều hơn so với các thời đại của hòa bình, thịnh vượng. Các nhà tâm lý học nhấn mạnh đến bệnh trạng, thất bại và bất hạnh, hơn là thành công và niềm vui. Tiểu thuyết trình bày chi tiết về cuộc đời và các sự kiện cá nhân mà mọi người muốn đọc, mặc dù kết thúc có hậu, nhưng rất ít tiểu thuyết dành không gian cho hạnh phúc. Thay vào đó, tiểu thuyết đề cập đến tội phạm, gia đình xung đột, đẩy con người vào khổ đau. Để hồi phục, người ta có thể tìm ra ý nghĩa nào đó để giải quyết vấn đề, chẳng hạn, bước vào thế giới sáng tạo của nghệ thuật, hoặc sống cuộc đời tu hành.

Rồi đóng lại cánh cửa Tâm Tư Sầu Muộn.

Wednesday, ngày 2 tháng 9, 2020