Nhịp Đập Của Thực Tại
Hãy cứ tưởng tượng, khi hội họa mang đồ vật vào trong tra- nh (Pop Art, thập niên 60), và rồi tranh lại bước ra ngoài giá vẽ để đi vào thế giới hiện thực (thập niên 70), thì thơ cũng đang có những chuyển biến mới, chụp bắt yếu tố đời sống để xử dụng như yếu tố thơ. Và cũng hãy hình dung một buổi sáng thức dậy, mở mắt ra, bắt gặp ngay những cạnh góc, từ ghế, bàn, trần nhà, cửa sổ tới những vật dụng hàng ngày. Những thứ tưởng là tầm thường ấy, mà bao lâu nay, chẳng đáng quan tâm, lại là nguyên nhân gây ra cảm giác bất an. Trong xã hội hậu công nghiệp, chúng ta đã xa rời thiên nhiên và không thể thoát ra khỏi, chồng chất những đường nét, cạnh góc của thế giới hình ảnh và đồ vật. Hơn thế nữa, ngay cả giao tiếp giữa người và người cũng phải qua những phương tiện truyền thông. Tiếng nói được gởi đi và tiếp nhận, không còn đúng với tự nhiên. Tình cảm con người, có nguyên ròng và nồng ấm như cái thời sống mộc mạc, chân chất xưa không? Thơ vì vậy, càng lúc càng phải mở ra và đón nhận thực tại, nếu không muốn bị chôn vùi, trong cái vỏ khô cứng của ngữ nghĩa. Nhưng khi thơ đi vào thực tại hay thực tại xuất hiện trong thơ, thì điều gì sẽ xảy ra? Thơ biến đổi, một số yếu tố sẽ mất đi và được thay thế, đưa người đọc tới tâm trạng hoài nghi, và thường là ngộ nhận, phải chăng đang có những cố tình làm hỏng cả một quan điểm thẩm mỹ?
Trước hết là nhịp điệu. Nhịp điệu trong thơ, bao lâu nay, được hình thành bởi âm của chữ, nhưng bây giờ là nhịp điệu của thực tại. Nhịp điệu thực tại thì có nhiều, khoảng cách giữa người và vật, giữa vật và vật tạo ra nhịp điệu của không gian, chuyển động và hình sắc tạo ra nhịp điệu hình ảnh, những biến cố xúc cảm tạo ra nhịp điệu thời gian … Và khi bước ra khỏi nhịp đơn điệu của thể điệu cũng có nghĩa, thơ trở về nhịp điệu thật và sống động. Thơ, nói như C.K. William, cho chúng ta nhìn thấy được ánh chớp trong đời (radiance in life) mà từ bao lâu nay, từ Trừu tượng Biểu hiện (Astract Expres- sionim) tới nhóm Beat Generation luôn luôn bị ám ảnh: tìm kiếm một cách nhìn mới (creat a new vision). Đó cũng là điều chúng ta thường hay đề cập tới: bản sắc thơ. Bản sắc thơ hay bản sắc một thời đại, một thực tại, một nền văn minh bao gồm luôn cái gọi là bản sắc dân tộc. Nhịp điệu thực tại hay nhịp điệu của khoảng khắc, nói cho cùng, cũng chính là bản sắc thơ. Bởi vì, và chừng như mỗi thời đại đều muốn ghi lại dấu mốc thời gian, đã phát sinh ra hàng loạt những tuyên ngôn (manifesto) và cả những tuyên ngôn chống lại những tuyên ngôn (manifesto against manifestos). Bản sắc thơ, bản sắc văn hóa giữa các nền văn hóa, di dân giữa các di dân, và mỗi thời kỳ (hiện đại và hậu hiện đại) là chuỗi dài những phủ định và phát hiện. Lịch sử không hẳn chỉ là những biến cố mang tính chính trị và xã hội, mà còn là sự hóa thân của từng nền văn hóa. Lập thể (Cub- ism) tìm ra không gian bốn chiều, Trừu tượng Biểu hiện rút tỉa kiến văn từ văn học và triết học chỉ còn có hai chiều, và thời kỳ hậu hiện đại (Postmodernism), nghệ thuật chống lại trừu tượng trở về với không gian ba chiều của hiện thực, nhưng kỳ thực là để phản ứng và giễu cợt hiện thực. Cứ như thế, cái món nợ tinh thần ấy tiếp tục đè nặng trên vai từng thế hệ, giữ lại nhiều hay ít, vết tích của thời gian.
Ở đây cần nhấn mạnh, bản sắc thơ không nhất thiết tùy thuộc vào ngôn ngữ, mà tùy thuộc vào cách nhìn, cách sống, cách xử thế ở nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau. (Không phải chỉ nói
tiếng Việt, bắt được những âm sắc Việt là giữ được bản sắc Việt). Bởi một điều, có quá nhiều thế giới càng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới chúng ta. Tính tương thuộc một lần nữa được nhắc lại: sự vật tự nó vô nghĩa, chính sự tương thuộc giữa các sự vật tạo ra ý nghĩa (Hans Hofmann). Thế giới hình ảnh, thế giới đồ vật xâm chiếm đời sống, là cái gốc của cảm xúc, trở thành trọng tâm, từ đó, chúng ta nhận ra, nó giúp soi tỏ và hiểu thấu tâm hồn mình. Nói cho rõ, thế giới đó được khai sinh bởi chúng ta, là một phần của đời sống, và phải được chấp nhận, cả tiện nghi lẫn phiền nhiễu. Tới một lúc nào đó, có thể sẽ khó khăn để đối phó với ngay những sản phẩm từ sáng kiến của chính chúng ta. Và những xung đột giữa người và người không còn ở mức đáng quan tâm nữa, mà là xung đột giữa con người và thế giới đồ vật. Nhưng cái gì làm nên nhịp điệu thực tại, lại chính là đường nét (line). Đường nét có đời sống và cá tính riêng. Line of thought biểu hiện cho kiến thức mà chúng ta thủ đắc, thực tại mà chúng ta nhận biết, theo trường phái Trừu tượng Biểu hiện. Nhưng ở đây không có gì liên quan tới hội họa trừu tượng, mà đường nét chỉ thuần chiết ra từ hình ảnh và hình dạng đồ vật. Nếu những khoảng trống trong thơ tự do giúp chúng ta nhận ra được không gian, thì đường nét, cái nhịp điệu phi âm thanh ấy, gợi ra thời gian trong thơ: sự đứt quãng, trăn trở, mối hồ nghi, những áp lực của đời thường, sự dằng co mang nhiều tính nghịch lý giữa tâm thức và hiện thực. Len lỏi giữa các dòng chữ, như hai thế giới song hành, làm nên những dòng chảy chông chênh, từ đâu, đi đâu, những câu hỏi mà chẳng bao giờ có lời giải đáp. Ranh giới giữa trong và ngoài, biết và không biết, như núi non sông đồi, làm nên những trắc trở: giữ lại và đồng thời thúc đẩy chúng ta phải vượt qua. Và vượt qua như thế nào thì vẫn là vấn đề nan giải. Vì thơ, ngoài cái nói được, còn có cái nói không được. Chính chỗ bỏ lửng, không rõ ràng ấy, nảy sinh ra nhịp phách bí ẩn của thơ. Đường nét như một hình thái cấu trúc, trong đó vai trò xã hội của nhà thơ là dựng lại (reconstruct), hình dung lại (reimagine) cách nhìn về đời sống, như
để tự hỏi, chúng ta là ai (who) và như thế nào (how) trong thế giới chúng ta đang sống. Tạo dựng lại hay hình dung lại cũng chỉ là một cách nói, về một tiến trình xóa bỏ và đào thải.
Đường nét, bản sao hay nhịp điệu của thời gian, nói thế nào thì nói, là hiện thân của sự vật hay không phải là sự vật. Nó mang ý nghĩa của chính nó. Câu chuyện về chiếc mặt nạ của Floyd John, tuy rất đẹp nhưng không thực (real power), bởi vì nó chỉ là bản sao từng chi tiết của một chiếc mặt nạ khác đã cháy thành tro. ( J.R., A Sen- eca Journal). Con người và đồ vật, ý thức và vô thức, tưởng tượng và hiện thực đều chỉ là những bản sao không có nguyên bản. Chúng ta cứ lập đi lập lại những gì đã có, nhưng cái đã có đó, cũng không ai biết, nó có thực hay không. Vậy thì làm gì có cái được gọi là thơ và cái không được gọi là thơ? Thơ luôn luôn lột xác và biến hóa, đến tận cùng. Bởi vì, cái nguyên bản của thơ chính là chỗ sâu thẳm mà mỗi người trong chúng ta, nhà thơ của những nhà thơ, nhìn thấu được. Đường nét, cũng như thơ, có thể là đường thẳng, đường cong hay là bất cứ một hình dạng nào, thực hay ảo, chuyển động hay bất động, nói đùa một chút, là một thứ cố hương. Cố hương, chúng ta sinh ra từ một cội nguồn mơ hồ, và lưu lạc tới một nơi chốn cũng mơ hồ không kém. Thời gian chẳng phải đã là một thứ cố hương của mỗi đời người sao? Hóa giải và phủ nhận thực tại, bằng cách đồng hóa với thực tại, và vì vậy, bài thơ phải hiện diện ở một cách thế khác, và quan điểm về một tác phẩm hay cũng lỗi thời như cánh cửa của quá khứ đã bị đóng lại. Và không phải chỉ có những yếu tố thơ là lỗi thời, mà càng lúc càng có nhiều thứ trở thành phế liệu, ngay cả kiến thức. Đa đa, siêu thực, trừu tượng hình như đã chấm dứt từ lâu lắm? Chẳng còn nguồn nào có thể viện dẫn để xác định những vị trí, ngoài viện dẫn chính thực tại. Nghệ thuật là hình thái của kiến thức (form of knowledge), theo quan điểm của trừu tượng biểu hiện, thập niên 50, có thể đổi lại không: nghệ thuật là hình thái của đời sống (form of life)?
Thơ luôn luôn là một thế giới bí ẩn và khó hiểu. Nhưng cũng không phải chỉ là trò ảo thuật chữ. Đằng sau mỗi bài thơ, là lý luận thơ, để từ đó đẩy thơ tới chỗ phi luận lý. Thơ nằm ở cõi phi ấy nhưng vẫn phải khởi đi từ cõi thực. Vì vậy, tại sao chúng ta cứ phải nói miên man mãi, về thơ, tưởng như không bao giờ dứt. Và thời gian có bao giờ chấm dứt đâu. Mỗi thời đại bắt được chân tướng thơ một cách khác nhau, như thể mỗi người trong chúng ta có cảm giác khác nhau, chỉ vì một làn gió mát. Dù thơ vần hay không vần, người làm thơ phải nói lên được tiếng nói của thời đại mình. Tiếng nói ấy không phải là tiếng nói của quá khứ, dòng thơ ấy không phải là dòng thơ đã qua. Và cái tự nhiên của thời này, có thể là cái không tự nhiên của thời trước, cái hay của thời này có khi là cái giả tạo của thời khác. Thơ vần, đối với tôi, là một gắn bó lâu dài, những suy nghĩ và học hỏi tốn nhiều thời gian, nhưng sáng tác thì không bao nhiêu. Tôi đã nhận được nhiều ân sủng từ thể loại thơ này, khởi đi từ thơ vần và cũng là người dứt khoát giã từ vần điệu. Và cũng có khi dứt khoát giã từ nhiều thứ khác nữa. Như thể ngôn ngữ vốn chứa nhiều chất huyền hoặc, hãy tước bỏ và cụ thể hóa nó đi; và có khi, cũng nên hình tượng hóa ngay cả ý nghĩa. Đó là cách phá bỏ mọi ranh giới giữa thơ và đời sống, một cố gắng nắm bắt những khoảng khắc của thực tại. Tôi vẫn tin rằng ở một số nhà thơ, có thể chưa chắc họ là những tên tuổi rực rỡ của một nền thi ca, nhưng họ đang hoàn tất tiếng nói của thế hệ họ. Thơ của họ có thể lẻ loi, đơn độc, vì không giống ai nhưng chúng ta hãy bình tâm tự hỏi: nếu một thế hệ không có tiếng nói, chỉ nói thay một thế hệ nào đó thì chúng ta chỉ có hình dạng nhưng không có âm thanh, đó là những bóng ma, những hồn muôn năm cũ. Thi ca thường xuyên bị gián đoạn vì tình trạng này.
Chúng ta đang ở thời đại có nhiều thay đổi, từ khoa học, xã hội đến kinh tế, chính trị và từ đó sẽ thay đổi tận gốc rễ thói quen và nhận thức con người. Ở một thời đại mà mọi ngành nghề đều phải
cập nhật hóa thường xuyên, và thơ ca cũng không thể ra ngoài định luật đó. Muốn cách tân đổi mới không thể không theo dõi những trường phái và thời kỳ thơ để có thể bước ra khỏi chiếc bóng rợp của quá khứ, nắm bắt hiện tại: chúng ta đang bước tới hay lui, có nằm trong cuộc vận hành chung ấy? Một quan điểm thơ, không phải hình thành trong giây phút bốc đồng, mà trải qua kinh nghiệm và suy nghĩ lâu dài. Một lý luận vui: chúng ta có thế giới của thơ, thế giới của truyện, thế giới của kịch … bây giờ chúng ta có một thế giới mới, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ gấp mấy lần: thế giới của truyền hình. Và nếu trong tương lai, hình ảnh được áp dụng bằng thứ không gian nhiều chiều thì nó chẳng khác gì thế giới của chúng ta. Sẽ là ngạc nhiên và buồn biết mấy nếu đời sống không có truyền hình và truyền hình không phải là đời sống. Đâu là ảo, đâu là thực, chúng ta thật sự không biết. Hoặc là chúng ta đồng thời sống với cả hai thế giới. Ngay bây giờ, nó đang hòa lẫn với thực tại, cái ảo được nhận diện và cái thực biến thành ảo. Hình ảnh xâm nhập vào đời sống và ngược lại đời sống là những chuỗi hình ảnh liên tục, như thể những bản sao không có nguyên bản. Con người đối diện với một tình huống mới, quá nhiều thông tin và chẳng ai có thể lưu giữ, ngoài hình ảnh. Ý nghĩa bị tước bỏ, hoặc không còn quan trọng và ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế bị bào mòn. Ngay hình ảnh cũng không mang được nhiều ý nghĩa, ngoài một điều, hình ảnh là hình ảnh, vậy thôi. Khi đời sống bị xâm thực, bị phân thành nhiều mảnh, thơ cũng sẽ không tránh khỏi những tai họa. Chức năng thơ sẽ phải thay đổi, trộn lẫn giữa KaLa và S. Beckett chăng (một người được xếp vào thời hiện đại, một người là hậu hiện đại), hay là một thứ tân siêu thực gì đó (ý thức và vô thức cùng nắm tay đi chung một con đường)? Không còn ai có khả năng tiên tri, và cũng chẳng ai điên rồ dẫm vào vết chân cũ, chỉ biết rằng, sẽ không đơn giản và êm đềm như cái thời thanh bình xưa, nay còn đâu. Bây giờ chúng ta mới lấy thơ từ TV, nhưng biết đâu sau này, thơ sẽ bị TV đồng hóa, bằng một phương cách nào đó. Chúng ta sẽ không còn đọc thơ trên
trang giấy mà nhìn thơ trên màn hình. Chắc chắn cũng sẽ còn lâu, vài thế hệ nữa, nhưng không phải là không xảy ra. Nhưng lúc này, chúng ta cứ yên tâm, và thoải mái lấy thơ từ bất cứ nguồn nào, vì thơ vẫn còn là một thế giới rất riêng. Đế quốc truyền hình chưa thể làm mưa làm gió, nhưng ảnh hưởng thì đã rõ. Và cuối cùng, thơ không còn phải có tính thuyết phục hay được chấp nhận nữa, và cũng như đời sống và hình ảnh, nó hiện hữu như nó hiện hữu, bất kể ngôn ngữ hay hình thức diễn đạt, không hay thời gian. Lý luận này, chúng ta cũng có thể coi là một lý luận ảo, bởi vì biên giới giữa ảo và thực có còn nữa đâu.
Đối với thơ vần hay bất cứ loại thơ nào, tôi không đọc nhiều ở những bài thơ. Bài thơ chỉ là cái xác của thơ. Có người thấy cái xác tưởng là thơ, và bới tìm trên đó. Qua cái xác thơ, tôi nhìn ra những trăn trở, sự đam mê sống chết của người làm thơ. Tôi nhìn thấy thơ nơi những nhà thơ chỉ làm thơ vần cũng như những nhà thơ có khuynh hướng đổi mới, và ngay cả nơi những người đang miên man suy nghĩ về những chiều hướng thơ. Thơ ở khắp nơi, khắp chốn, đâu phải chỉ nơi những bài thơ, và nhà thơ đâu hẳn chỉ là những người làm ra những bài thơ. Đời sống đó, thiên nhiên đó, bao nhiêu hạng người trong xã hội từ thấp đến cao, ở trong cũng như ở ngoài chữ, họ không đang tiếp nhận và làm ra thơ đó sao?