MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC – NGUYỄN LƯƠNG BA

MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

Nguyễn Lương Ba


1. TÍNH TRUYỆN VÀ TÍNH KHÁCH QUAN

VớI thơ Tân hình thức, tính khách quan nằm trong tính truyện. Tính truyện đã trở thành bao quát trong mọi hình thức của thơ cận đại, trở thành cách biểu lộ tâm tình qua chính câu chuyện mà nhà thơ đã kể. Do xử dụng ngôn ngữ hằng ngày (đời thưởng) khi chuyển vào thơ, bài thơ trở nên phổ cập hơn. Cũng vậy, xin dẫn chứng một bài thơ của Nguyễn thị Ngọc Nhung qua câu chuyện của nhà thơ:

N Ử A Đ Ê M

Nửa đêm thức dậy mặc quần áo đi

chợ. Những trái táo dỏ xanh vàng ngay

hàng thẳng lối dưới ánh đèn trắng. Những

rau tươi mát mắt. Những hộp trái

cây, hộp xúp nhẵn hiệu đủ màu. Những

chai rượu trắng đỏ. Bia lon bia chai.

lớn nhỏ. Lổn nhổn. Những vĩ thịt bọc

giấy trong. Những khứa cá vuông vắn. Phô

mai cứng mềm, có mùi, không mùi. Những

chai thuốc tẩy. Làm sạch bồn cầu. Lọc

nước trong veo. Kem đủ loại đủ màu

đủ mùi. Đường, bột màu va ni, trứng

gà. Kẹo chua kẹo ngọt. Bánh trong hộp

trong bao. Bánh mì loại mềm, loại bột

chua, loại Ý loại Pháp, ổ tròn ổ

dài. Kẹp tóc. Xà bông gội đầu. Kem

dưỡng da. Viết chì kẻ mắt xanh nâu

đen. Thuốc ho thuốc cảm thuốc nhức đầu

Nửa đêm tôi mua một hộp tampons.

Bài thơ mang một bố cục rất mới, mô tả quang cảnh trong chợ hết sức bình thường. Bài thơ nói lên điều gì ? Đó là đời sống của nhà thơ với những thiết thân gắn bó, đơn giản mà quan trọng, tự nhiên mà đam mê, cái thú đi chợ. Mà chỉ với thơ THT, nhà thơ mới diễn tả được dễ dàng như thế.

Có câu hỏi: Lời thơ mang tính khách quan vô hồn, không giải thích, không bút pháp đặc biệt chẳng khác gì lời văn của Alain Robbe-Grillet. Chính cái không giải thích này có thể làm cho bài thơ khó hiểu trái với kỳ vọng về một bài thơ trong sáng…

Cái khó hiểu trong tiểu thuyết của nhà văn A.R.Grillet chính là phải định nghĩa lại sự liên hệ giữa con người và thế giới xung quanh. Nhắc đến nhà văn A.R.Grillet thiết tưởng cũng cần biết thêm về nhà văn này.

Alain Robbe Grillet sinh năm 1922 ở Brest, vùng tây bắc nước Pháp. Ông cùng với một số nhà văn khác như: Claude Simon. Natalie Sarraute, Michel Butor, Marguerite Duras, Jacques Derrida và Pierre Bourdieu lập nên Phong trào Tiểu Thuyết Mới (Nouveau Roman) trong nền văn chương Pháp của thập niên 1950-60.

Robbe-Grillet cho rằng thể loại tiểu thuyết trong quá khứ chỉ là bản sao chụp lại những kinh nghiệm của mình và của thế giới chung quanh. Tiểu thuyết cổ điển luôn luôn khảo sát sự kiện trong một thứ thời gian liên tục, tuần tự và cứ như một đường thẳng, như thế mọi diễn biến, mọi lời đối thoại chỉ là phản ảnh cái cách nhìn giữa vật thể và chủ thể, cứ thế sao chụp lại, chồng chất lên nhau cho đến hết câu chuyện.

Theo ông phải tìm cách định nghĩa lại sự liên hệ giữa con người và thế giới xung quanh. Thế giới không phải tự nó có như một thực tại toàn thể và hoàn tất. Phải đập bể thực tại để tìm ý nghĩa. Vì thế qua tiểu thuyết mới, vật thể bao giờ cũng có một quá trình (background) của nó và câu chuyện do đó không thể nào chấm dứt được. Lúc chấm dứt câu chuyện cũng chính là lúc bắt đầu…

Truyện của ông mang đầy tính triết lý và rất lôi cuốn đối với người đọc. Trước 1975, ở miền Nam có một số nhà văn như: Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Huỳnh Phan Anh… đi theo trường phái này tạo nên một không khí văn chương sôi động của thập niên 60 không kém gì phong trào thơ tự do cũng ở cùng thời điểm đó.


2. TÍNH NHẠC

Thơ Tân Hình Thức có giống lời ca Vọng Cổ không?

Nhà thơ Khế Iêm viết trong tiểu luận Tân hình thức và quan điểm thẩm mỹ mới: “Để cụ thể hóa, chúng ta thấy vọng cổ khi dùng những câu nói đời thường phổ vào âm luật, khi ca lên trở thành lời ca tiếng nhạc, không còn là những câu nói đời thường nữa. Như vậy khi áp dụng thi pháp đời thường có nghĩa là đưa những câu nói đởi thường vào thơ để trở thành thơ, phải dựa theo luật tắt của thơ và đó là ý nghĩa của thơ Tân hình thức.”.

Còn thế nào là nhạc Rap ?

Nhạc Rap bắt đầu xuất hiện từ năm 1970. Đầu tiên nhạc Rap là sự kết hợp giữa thơ và nhạc xuất phát từ chủ nghĩa Dân Tộc của người Da Đen (Black Nationalism). Nhạc Rap ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng người da đen tạI Mỹ. Nó mang ý nghĩa cực kỳ vĩ đại nuôi dưỡng tinh thần văn hóa của cộng đồng da đen nhất là ở giới trẻ. Nó được đánh giá vĩ đại hơn cả thời kỳ nhạc Jazz. Nhạc Rap rất cần đến nhạc tính của thơ, đồng thời thơ với những khía cạnh đặt biệt của nó lại cần đến nhạc cụ, đặt biệt là trống để trọn vẹn diễn tả được phong tục của người da đen như nhảy múa, uốn éo, vặn vẹo, chỉ chỏ, đề kháng mang tính khai phá và sáng tạo của người da đen. Khi hát thì nói ngắn lại (syncopation), luôn tỏ ý muốn ôm vào (embrace) thân ái với mọi người, biểu lộ như là truyền thống của người da đen.

Có một số bài thơ Tân hình thức mang âm hưởng của nhạc Rap do ở thể nói và cách vắt dòng không ngừng lại ở cuối câu. Tùy theo sáng tác của nhà thơ, bài thơ mang âm hưởng nhạc Rap là hoàn toàn tự nhiên.

Có thể đọc bài Chơi Khôn của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường như sau:

CHƠI KHÔN

làm bộ mày là tao và

tao là tao như thế để tao được

hai tao làm bộ mày là

tao là mày và tao là mày là

tao như vậy sẽ có ba

tao với ba mày đều là tao cả

thôi mày đừng thút thít khóc

nữa tao không xúi mày chơi dại không

bắt mày làm bậy hổng thèm

ỷ lớn chơi khôn ăn hiếp mày hoài

tụI mình hãy làm tao là

mày mày là tao để mày với tao

tuy hai mà một tao với

mày tuy một mà hai và giả bộ

như trời đổ mưa phùn trên

con lộ vắng lúc này đặng tao ôm

mày đứng núp dưới gốc cây.

Hoặc đoạn thơ sau đây:

LÁ THƯ KHÔNG GỬI (trích)

tôi nằm dướI hố. Đạn bay mù

trời. Một vùng thật xa. Phèn chua

nước mặn. Năm căn Cái nước. Rừng

đước rừng tràm. Tôi về Cà Mau

tôi lên Sóc Trăng. Tôi qua Rạch

Giá. Tôi vào Chương Thiện. Cũng là

tôi đi trên quê hương khói lửa

Đâu nói chi chuyện sáng mắt sáng

Lòng. Chỉ thêm dài dòng . Đã rõ…

Nguyễn Lương Ba


3. THẾ NÀO LÀ NHỮNG ÂM VANG TRONG THƠ TỰ DO ?

Âm vang của thơ Tự Do chính là ngữ điệu của câu thơ tác tạo nên. Kỷ thuật là làm sao đạt tới sự tinh vi nhất của ngôn ngữ. Sự tinh vi này là kết tinh của tư tưởng cùng sự bức xúc của tâm hồn. Ngôn ngữ tinh vi là một đặc điểm, hơn nữa là một ưu điểm của thơ Tự Do. Văn học miền Nam Việt Nam, khi nhắc đến thơ Tự Do, người ta nghĩ ngay đến Tạp chí Sáng Tạo của thập niên 1950-60 với Thanh Tâm Tuyền như là một nhà thơ chủ soái của phong trào.Ông đã có những bài thơ gây âm vang chấn động, tạo nên một làn sóng hâm mộ trong giới trẻ suốt nhiều thập niên:

BÀI THƠ VUI

Một người treo cổ trên cành cây

Trong công viên giữa thành phố

Nhìn một phút cuối cùng

Đôi tình nhân hôn nhau

Xong

Thiếu nữ cười tinh nghịch như hòn sỏi

Ném lăn theo triền mái ngói.

và đây là một bài thơ rất quen thuộc của Thanh Tâm Tuyền:

DẠ KHÚC

Anh sợ những cột đèn đỗ xuống

Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta

Bóp chết mọI hy vọng

Nên anh dìu em đi xa

Đi đi chúng ta đến công viên

Nơi anh sẽ hôn em đắm đuốI

Ôi môi em như mật đắng

Như móng sắc thương đau

Đi đi anh đưa em vào quán rượu

Có một chút Paris

Để anh được làm thi sĩ

Hay nửa đêm Hà Nội

Anh là thằng điên khùng

Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tớI

Chiếc kèn hát mãi than van

Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng

Sao tuổi trẻ quá buồn

Như con mắt giận dữ

Sao tưổi trẻ quá buồn

Như bàn ghế không bầy

Thôi em hãy đứng dậy

Người bán hàng đã ngủ sau quầy

Anh đưa em đi trốn

Những giày vò ngày mai.

Ngọc Dũng

TIẾNG HÁT

Đêm khua bí mật như mũi tên bay

Từ một đảo hoang nào không biết

Tên em mỗi loãng dần giấc ngủ mê

Và giọt mưa rơi cách biệt

Và tiếng khóc nhỏ xuống

Hạt mưa tan thành tiếng kêu

Đêm phủ đầy em một rừng chết

Chiều trên cánh tay

Em thắp lửa đầy mình bỏ trốn

Vào thinh không hãi hùng

Mặt biển chừng xanh bão táp

Anh thở khói tròn những luyến tiếc không

Và hẻo lánh thấm dần mãi da thịt

Giữa đồng lầy mực nước dâng loang.

Qúach Thọai

(một nhà thơ có tâm trạng u ẩn như thi sĩ Hàn Mạc Tử)

HÃY TRỞ VỀ

Ôi, yêu dấu, yêu dấu

Tôi đã chờ đợi em lâu quá lâu

Đến khi nào hồn em rồI mới đậu

Trên hồn tôi cánh tình ái nhiệm màu

Ôi, yêu dấu, yêu dấu

Em hãy trở về mơn trớn lấy tim tôi

Hồn cô độc đã từ lâu lạnh lẽo

Hãy trở về đốt lửa hộ đôi môi

Ôi, yêu dấu, yêu dấu

Em hãy trở về vội vã cùng tôi

Tôi rất sợ ngày mai không sống nữa

Hãy trở về thương nhớ lắm em ơi

Ôi, yêu dấu, yêu dấu

Em hãy về ôm xiết lấy tôi mau

Và giữa phút mê ly mầu nhiệm ấy

Tôi chết đi hồn ấm áp thiêu thân.

Ngôn ngữ này được sử dụng vừa là hình thức vùa là nội dung của tác phẩm. Cái đẹp chính là sự ngưỡng mộ.


4. CÂU ĐỀU CHỮ, VẮT DÒNG VÀ VẦN

Như đã trình bày, thơ Tân hình thức sử dụng ngôn ngữ đời thường để phổ vào thơ. Nó không như các thể thơ 7 chữ hay 8 chữ hay các hình thức thơ vần trước đó (lục bát, thất ngôn bát cú…). Thơ Tân hình thức với tính truyện, bài thơ sẽ được dẫn đi chừng nào nhà thơ không muốn nữa thì thôi. Bởi thế mới vắt dòng. Chỉ mượn hình thức 7 chữ hay 8 chữ và như Khế Iêm đã viết: “Đối với thơ Việt, khi dùng lại hình thức 7, 8 chữ hay lục bát là làm cho thị giác đỡ bị vướng mắt, dễ tạo nhạc tính, hình ảnh và áp dụng các yếu tố khác, qua đó người đọc đánh giá được tài năng và sức sáng tạo của nhà thơ.”

Thí dụ một vài bài thơ Tân hình thức của các tác giả:

Thơ 5 chữ của

Nguyễn Đạt

NGHĨA TRANG ĐA THỌ

Tôi có một cô em

ở đồi Đa Thọ nhắn

rằng tôi hãy mau trở

về đồi dã quỳ sẽ

dẫn tôi tới mộ sẽ

biểu nơi này đích thực

là quê của tôi đấy

dù không phải quê tôi

nhưng cô em đã ở

đó đời đời dã quỳ

đã bấy nhiêu năm ngây

dạI bấy nhiêu nắng hanh

gió hắt hiu đời đời

Dã quỳ cành bên hoa

vàng bia mộ khắc tên

em trên đồI Đa Thọ

trên vách núi đá trên

thân thông già buột tôi

quên khó hơn là nhớ

mùa về tôi cũng về

thôi quê tôi đấy hiển

nhiên trắng lưng đồI bụi

dã quỳ cài hoa vàng

trên mộ Đa Thọ trao

em em gửI lại tôi.

Thơ 6 chữ của

Nguyễn Lương Ba

MỖI NGÀY CHÚNG TA CÓ CÙNG VỚI NHAU

Muốn tả chân em thì anh

đứng ngoài để tả chân em

đứng ngoài điều mình tả vì

chỉ để mô tả có thể

nào thì nói lên thế rồi

tự xóa một cách khách quan

để bây giờ nơi đó em

chờ người về nhớ ngày chia

tay để bây giờ nơi đây

những dấu chân khắc dấu

hoài niệm giấc mơ dài thật

lãng mạn chập chờn dài mãi

những hoài niệm trong căn nhà

để đi tới đi lui với

chính mình bắt đầu tan tành

sức mẻ một nơi mộy chút

sức mẻ tình yêu của Thượng

Đế sức mẻ không yêu ai

nữa từ chối sự sáng tạo

tình yêu nằm im giữa người

người nằm im chập chờn giấc

mơ xa lạ con virus

xa lạ tự tìm tự tạo

không có gì sẵn sàng cả

Muốn tả chân em thì anh

đứng trong để tả chân em

đứng trong điều mình diễn tả

nhìn em như một lối nhìn

sáng rỡ xa lạ cái thế giới

nhìn nhìn em không có gì

sôi nổi hơn vấn đề sống

chết của con người nhân loại.

Thơ 7 chữ của

Khế Iêm

ĐIẾU THUỐC LÁ

Tôi đứng dưới mái hiên, nhìn lơ

đãng người đàn ông tồi tàn, sặc

mùi rượu, đi ngang qua (rồi quay

lại) xin điếu thuốc lá, điếu thuốc

lá dĩ nhiên, điếu thuốc lá chẳng

lẽ tôi không có một điếu thuốc

lá, bởi vì nhiều lần trong đời

trắng tay tôi đã không có cả

một điếu thuốc lá, điếu thuốc lá

rẽ mạt, không đáng gì, một thời

tôi đã từng không có cái không

đáng gì-xin lỗi xin lỗi-nhưng

người đàn ông tồi tàn, sặc mùi

rượu đã bỏ di( rồi quay lại)

đưa cho tôi một điếu thuốc lá

điếu thuốc lá không đáng gì và

bây giờ tôi vẫn không có cả

cái không đáng gì-cảm ơn, cảm

ơn- người đàn ông tồi tàn, sặc

mùi rượu và điếu thuốc lá tầm

thường như thế, ngạc nhiên như thế

tràn đầy trong đời sống chung quanh

tôi và tôi cũng tầm thường như

thế, ngạc nhiên như thế dưới mái

hiên này, tôi là ai, tôi là

ai ừ tôi là ai, sao tôi

không biết?

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đại diện thơ tân hình thức Việt: Hồ Đăng Thanh Ngọc
Bản quyền: www.thotanhinhthuc.com